Trên 4.000 ha lúa tại Hậu Giang bị ảnh hưởng do mưa kéo dài

Do ảnh hưởng của mưa giông kéo dài trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận nhiều diện tích lúa bị ngập úng và thiệt hại từ 10 - 90%.

Chú thích ảnh
Diện tích lúa Hè Thu trên địa bàn huyện Vị Thủy bị đổ ngã do mưa giông kéo dài. 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tục kèm theo gió mạnh đã gây ngập úng cục bộ và đổ ngã trên một số loại cây trồng.

Qua nắm tình hình tại các huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 20/7, ngành nông nghiệp ghi nhận diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa giông là trên 4.073 ha lúa.

Đối với lúa Hè Thu, trong số 23.072 ha chưa thu hoạch, có trên 2.958 ha bị thiệt hại; trong đó, trên 2.616 ha có tỷ lệ thiệt hại thấp (10 - 20%), trên 250 ha thiệt hại từ 40 - 60% và 92 ha bị thiệt hại 80 -90%.

Đối với diện tích lúa Thu Đông, hiện nay toàn tỉnh đã xuống giống được 16.388 ha, đã có 1.115 ha bị ngập úng với trên 728 ha bị thiệt hại; trong đó, 660 ha thiệt hại từ 15 - 20%, trên 61 ha thiệt hại 40 - 50% và 7,3 ha bị thiệt hại 80 - 90%.

Diện tích lúa Thu Đông giai đoạn mạ còn lại, nông dân đang chủ động bơm nước thoát úng cho ruộng nhưng có khả năng diện tích thiệt hại tăng nếu mưa lớn kéo dài trong thời gian tới.

Ngoài ra, có 24 ha mía trên địa bàn Phụng Hiệp bị mưa lớn làm xiêu vẹo nhưng nông dân đã chủ động khắc phục nên chưa gây thiệt hại. Đối với cây ăn trái, tình trạng gió giật mạnh, mưa lớn làm một số cây trồng bị gãy nhánh, rụng trái nhưng tỷ lệ thấp, diện tích vườn cây ăn trái đang tiếp tục được theo dõi. Hiện tại, chưa ghi nhận thiệt hại về cây rau màu.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, tình hình mưa giông vẫn còn phức tạp, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương đang tiếp tục theo dõi và đánh giá thiệt hại nên diện tích thiệt hại có khả năng tăng trong thời gian tới.

Dự báo mưa còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, thị, thành tăng cường thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày. Bên cạnh đó, vận động nông dân khai thông dòng chảy, tích cực bơm tác chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Lạng Sơn triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng
Lạng Sơn triển khai phương án đảm bảo an toàn tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng

Chiều 18/7, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ, ngập úng và sạt lở đất tại một số huyện có nguy cơ cao, triển khai phương án đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN