Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả và chuyên gia có uy tín ở các lĩnh vực quản lý, công nghệ, thiết kế, đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước nhằm cùng nhau tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận về một số vấn đề như: chuyển đổi số để phát triển bền vững; vai trò của công nghệ trí tuệ nhân tạo trong giáo dục bền vững; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chuyển đổi sinh thái-xã hội cho Đồng bằng sông Cửu Long; các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho thành phố ven biển bền vững; gieo hạt giống cho hệ thống thực phẩm bền vững; nghiên cứu mạng lập trình trong nông nghiệp; năng lượng bền vững...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Những năm qua, nhất là sau hai năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của vùng là 6,37%, cao thứ 2/6 vùng của cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, khả năng cạnh tranh và tiêu thụ nhiều loại nông sản chưa cao; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả; ứng dụng khoa học - công nghệ còn chậm. Tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội việc làm đã làm giảm lực lượng lao động tại chỗ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng nông thôn. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có sự xuất hiện các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong cùng việc biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động rất nhiều đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sụt lún đất và sạt lở bờ sông, phát triển hạ tầng không đồng bộ, đa dạng sinh học suy giảm.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, với sự chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và từ những nhà quản lý thực tiễn tại địa phương sẽ mang đến các góc nhìn đa chiều và sâu sắc về phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Đây là cơ hội để tiếp cận những phương pháp tiên tiến, công nghệ và chiến lược mới nhất hướng đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy phát triển bền vững, cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương từ những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan. Hội thảo không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, mà còn truyền cảm hứng và khuyến khích các bên liên quan hành động vì một tương lai tươi sáng hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sỹ Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của vùng vẫn còn ở giai đoạn cơ bản. Với sự phát triển của các công nghệ mới, nền kinh tế chia sẻ, các công ty khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận những cơ hội chưa từng có để phát triển và thành công. Theo đó, nền tảng kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và thành công của các công ty khởi nghiệp. Bằng cách tận dụng những nền tảng này, các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận khách hàng mới, thu được những hiểu biết có giá trị và hợp lý hóa hoạt động của mình, giúp họ đạt được mục tiêu và phát triển trong thời đại kỹ thuật số.