Nhìn nhận những kết quả bước đầu đạt được sau hai năm triển khai Nghị quyết, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương, chung tay đưa Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.
Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc, cửa ngõ phía Tây Nam quốc gia.
Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả của quốc gia, khu vực và thế giới; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa…
Đến năm 2045, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý, thích ứng biến đổi khí hậu...
Chính phủ có Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng tổ chức quán triệt, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ từng địa phương.
Nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ gắn triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị với thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố xác định phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, là đô thị hạt nhân vùng.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, thành phố tập trung phát triển theo ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Thành phố đảm nhiệm vai trò động lực cho sự phát triển của vùng, hợp tác và liên kết vùng, là cầu nối giữa vùng với quốc gia, quốc tế để phát triển toàn diện, trở thành trung tâm công nghiệp cao, đô thị hạt nhân của vùng với kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại. Cần Thơ chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội của người dân, phát triển theo hướng bảo đảm bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên đặc trưng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, ở vị trí cực Nam Tổ quốc, Cà Mau là tỉnh duy nhất nước ta có ba mặt giáp biển. Tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống đặc sắc giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng.
Cùng với các địa phương trong toàn vùng triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phát triển vùng mà Bộ Chính trị đã ban hành, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế. Một trong những nhiệm vụ tỉnh tập trung triển khai là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung vào lĩnh vực, nguồn lực chủ yếu, ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như: Kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh.
Tỉnh ủy Đồng Tháp thông tin, Đồng Tháp cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Địa phương đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Tỉnh lấy nông nghiệp đổi mới làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng và cả nước.
Thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại Cà Mau đầu tháng 7 với nội dung sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, tình hình triển khai Quy hoạch vùng, đồng thời rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng, tiến độ triển khai các dự án liên vùng.
Tại Hội nghị này, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long Lê Minh Khái khẳng định: Qua hai năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng, tình hình kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kết quả khả quan. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chuyển biến rõ nét, tích cực. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế. Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực. Môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất. Sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GRDP toàn vùng ước đạt 6,12%; trong đó, một số địa phương của vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.
Trên địa bàn vùng, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2... Nhiều công trình, dự án giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch đang được thực hiện hoặc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đầu tư.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về phát triển vùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, các tỉnh, thành phố đang tăng tốc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, tỉnh tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phân định, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong đó, có vùng phát triển kinh tế biển, vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, vùng phát triển kinh tế đô thị. Mục tiêu đề ra đến năm 2030, Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao nằm trong nhóm đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2050, Trà Vinh là tỉnh phát triển cao của vùng, có trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng...
Với tỉnh Cà Mau, từ thực tế địa phương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; tăng cường kết nối nội tỉnh, các tỉnh trong vùng, liên vùng; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, tỉnh tăng cường huy động, mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích phương thức đầu tư đối tác công tư và phương thức đầu tư khác phù hợp; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng quốc gia và của tỉnh, công trình trọng điểm. Tỉnh ưu tiên đầu tư công trình quan trọng gắn với kết nối, liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, khu di tích lịch sử, khu du lịch; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường đấu nối cụm kinh tế ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi thu hút đầu tư; đầu tư công trình cầu, đường giao thông nông thôn gắn các chương trình mục tiêu quốc gia, thích ứng biến đổi khí hậu.