Thực trạng buôn lậuThiếu sinh kế ổn định, nhiều người dân vùng biên đã tiếp tay cho nạn buôn lậu. Đó là thực tế mà ngành chức năng của các tỉnh có địa bàn giáp biên giới với nước bạn Campuchia thấy rõ trong quá trình triển khai nhiệm vụ phòng chống buôn lậu nhiều năm qua.
Thuốc lá lậu bị lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt giữ ở xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B (Đồng Tháp). |
Hai xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là “điểm nóng” về tình hình buôn lậu thuốc lá. Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Tri, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cầu Muống, bằng nhiều thủ đoạn, những đối tượng đầu nậu thuê mướn những người dân nghèo, kể cả trẻ em để đeo vác nhỏ, lẻ với số lượng vài cây thuốc lá qua biên giới. Điều đáng nói, khi lực lượng chức năng càng ra sức truy quét cũng là lúc các đối tượng đầu nậu lùng sục, lôi kéo thêm nhiều người dân nghèo tại đây tham gia vận chuyển.
Mặc dù công tác tuyên truyên vận động về phòng chống buôn lậu được chính quyền địa phương vùng biên giới triển khai thường xuyên nhưng trước áp lực về sinh kế, người dân nơi đây vẫn tham gia, dù biết hành vi buôn lậu là sai trái. “Lúc bị bắt, nhiều người cho biết vì không có đất sản xuất, không có trình độ nên dù bản thân không muốn tiếp tay cho buôn lậu nhưng không biết làm gì để nuôi gia đình. Có đối tượng khi bị bắt và khởi tố thì ở nhà vợ lại tiếp tục đi vác thuê thuốc lá lậu và sau khi được tha về địa phương vẫn tiếp tục tái phạm”, Thượng tá Tri cho hay.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, kêu gọi đầu tư vào khu vực biên giới, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống là việc làm cấp bách hiện nay để người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu. Chỉ khi đồng bào vùng giáp biên ấm no, có công ăn việc làm ổn định thì chuyện buôn lậu sẽ không còn. Nhận thấy rõ vấn đề này, những năm qua, Chính phủ và các chính quyền địa phương vùng biên giới đã triển khai nhiều chính sách như: Đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm… với mục đích ổn định sinh kế cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, các chính sách này đều vấp phải những khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng vùng biên giới chưa hoàn thiện, khó thu hút được các nhà máy, xí nghiệp, nhất là những đơn vị quy mô, nhu cầu sử dụng lao động lớn. Do vậy, việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở tại địa bàn biên giới của các tỉnh vùng ĐBSCL cần được Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.
Xây dựng mô hình “doanh nghiệp siêu nhỏ” Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Kinh tế tài nguyên môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, cần phải xem xét đến việc xây dựng mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ ở các địa phương vùng biên, bởi khả năng giảm nghèo của doanh nghiệp siêu nhỏ ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã được nhìn nhận và đánh giá cao qua nhiều công trình nghiên cứu cũng như chương trình hợp tác quốc tế, các chính sách xóa đói, giảm nghèo cấp quốc gia… Mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ tạo lập ra một số lượng việc làm lớn để cộng đồng dân cư, đặc biệt là người nghèo, người thất nghiệp có thể tìm kiếm nguồn thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến cũng chỉ ra rằng, vấn đề là cần giải pháp hỗ trợ pháp lý. Trước tiên, cần phải xác định lại cách thức tiếp cận đối với doanh nghiệp siêu nhỏ như một nguồn lực quan trọng hiện nay trong chiến lược giảm nghèo… Từ quan điểm này, những cải cách chính sách cần được thúc đẩy theo hướng giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ phát huy được tiềm năng về thu nhập và tạo công ăn việc làm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ khả năng tiếp cận thị trường vì doanh nghiệp siêu nhỏ tự thân đã mang tính rời rạc, nhỏ lẻ… do đó rất cần thiết phải có một chương trình liên kết qua hoạt động của những trung tâm hỗ trợ tại các địa phương để giúp cho chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp là phụ nữ dễ dàng tham gia vào thị trường các sản phẩm như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, chế biến thục phẩm.
Cuối cùng là giải pháp hỗ trợ tín dụng siêu nhỏ, các doanh nghiệp này thường có số vốn rất nhỏ và rất cần những hỗ trợ tín dụng, trong khi những tổ chức tín dụng hiện nay thường đánh giá thấp những gói vay nhỏ lẻ vì khả năng sinh lãi thấp, nhưng thực ra lại hết sức cần thiết đối với các doanh nghiệp này. Do vậy, Chính phủ cần thiết lập những khung pháp lý hỗ trợ hình thành các tổ chức tài chính siêu nhỏ để thực hiện cho vay các khoản nhỏ giúp vốn chăn nuôi gia súc, buôn bán nhỏ lẻ, phát triển các nghề thủ công, nghề dịch vụ đang có trong từng cộng đồng dân cư nhỏ như làng, xóm, tổ dân phố… Khuyến khích người đi vay được vay nhiều hơn nếu hoàn trả đúng hạn, nhờ đó giúp cho các hộ kinh doanh nghèo vốn không có nhiều tài sản thế chấp được vay vốn để tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội với số lượng lớn hơn.
Theo bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly, Vụ trưởng Vụ địa phương III (Ủy ban Dân tộc), xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, đổi mới phương thức tiếp cận và quản lý nhà nước đối với vùng biên giới và vùng dân tộc Tây Nam Bộ là một trong những nhiệm vụ vừa cơ bản vừa lâu dài. Do đó, trong thời gian tới cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của nhà nước, ưu tiên giải quyết những khó khăn của đồng bào vùng biên giới, tạo điều kiện để giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đồng thời chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc… ở vùng biên nhằm bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.