Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, đề ra phương hướng, nhiệm vụ phối hợp thời gian tới. Theo đó, để nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Bắc và các tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, các đại biểu cho rằng, thời gian tới các văn phòng cần thực hiện đúng chế độ gửi báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo quy định.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện Quy chế phối hợp đã ký giữa Văn phòng Ban chỉ đạo Tây Bắc và Văn phòng Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan liên quan; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trên các lĩnh vực, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Các đơn vị thường xuyên tăng cường công tác trao đổi thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban ở từng địa phương.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ cho biết: trong 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, chế độ phối hợp, hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin; phối hợp chuẩn bị nội dung, chương trình thăm và làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo Tây Bắc tại các địa phương được thực hiện tốt. Công tác phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, tuyên dương của văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Bắc với Văn phòng Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng và các đơn vị liên quan ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả thiết thực. Một số vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc của địa phương được thông tin kịp thời đến Ban Chỉ đạo Tây Bắc để tổng hợp báo cáo. Trên cơ sở đó, nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù của vùng đã được chỉ đạo triển khai và thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như: chế độ thông tin hai chiều có việc chưa kịp thời; chất lượng, phạm vi trao đổi thông tin chưa phong phú, loại hình chưa đa dạng…