Khu tái định cư thôn 2, xã Phước Kim là một trong 4 khu tái định cư được huyện Phước Sơn nỗ lực xây dựng để sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào. Đến thời điểm này, khu tái định cư thôn 2 đã đón hơn 40 hộ gia đình.
Khu tái định cư thôn 2 được xây dựng các hạng mục thiết yếu như đường nội bộ, hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt, điện thắp sáng từ lưới điện quốc gia, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cuộc sống của đồng bào đã trở lại bình thường với việc làm rẫy, trồng rừng keo nguyên liệu, chăn nuôi, trồng dược liệu dưới tán lá rừng. Nhiều người có thêm thu nhập nhờ có việc làm tại các công trình xây dựng trên địa bàn. Chị Hồ Thị Lý, thôn 2, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn chia sẻ: Sống ở đây, bà con không còn lo sạt lở núi nữa. Ở nơi ở mới, đồng bào sống bằng nghề làm rẫy, làm keo, phát rẫy, làm công trình. Điều bà con mong muốn nhất hiện nay là được cấp thêm đất để sản xuất vì phần lớn diện tích đất canh tác của trước đây đã bị sa bồi thủy phá.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung cho biết, bên cạnh việc ổn định chỗ ở cho trên 170 hộ gia đình đồng bào tại 4 khu tái định cư, huyện Phước Sơn xác định giống cây trồng, vật nuôi, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ giống, kỹ thuật, hỗ trợ lương thực để bà con khai hoang, giúp bà con xây dựng được sinh kế bền vững. Thực tế cho thấy, các loài cây dược liệu như sâm Ba kích, đẳng sâm và nhiều loại cây dược liệu khác cũng như trồng mây phục vụ nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu là những cây trồng có giá trị, được bà con tích cực đón nhận.
Để mở rộng các mô hình này, nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, của các nhà hảo tâm và ngân sách địa phương đã giúp bà con xây nhà ở ổn định lâu dài; hỗ trợ đồng bào lương thực, thực phẩm thiết yếu để khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất; hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ kỹ thuật để bà con có nguồn thu nhập trong quá trình tái thiết cuộc sống.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để sớm tái thiết cuộc sống cho đồng bào ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tỉnh tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch, điện sinh hoạt và sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, phấn đấu trong năm 2022 sẽ cơ bản khắc phục xong thiệt hại do thiên tai gây ra ở các huyện miền núi. Về lâu dài, với nguồn vốn đầu tư lên đến 968 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại các điểm dân cư, vùng phân bố dân cư thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và nguy cơ sạt lở núi cao về các khu tái định cư ổn định lâu dài.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2023, tỉnh Quảng Nam tiếp tục sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh. Theo đó, các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn có thêm gần 2.400 hộ đồng bào ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai được tái định cư tại những khu tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào.
Giai đoạn 2023 - 2025 tỉnh hỗ trợ cho gần 5.500 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng lũ quét, triều cường, sạt lở ven sông, ven biển được tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài. Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ sắp xếp, ổn định dân cư tại những vùng xung yếu, khu vực miền núi Quảng Nam từ nay đến năm 2025 khoảng 968 tỷ đồng.
Tuy còn nhiều khó khăn song đời sống của đồng bào ở các xã vùng sâu vùng xa, nhất là ở những vùng thường xuyên sạt lở núi và lũ quét của tỉnh Quảng Nam đến nay đã cơ bản ổn định. Nhiều cơ chế ưu đãi và nguồn vốn được ưu tiên để sớm tái thiết cuộc sống cho đồng bào. Các giải pháp tạo lập sinh kế bền vững được thực hiện sẽ ngăn chặn được nạn phá rừng làm rẫy, gây xói mòn đất, sạt lở đất là nguyên nhân chính gây ra nạn sạt lở núi.