Chị Thạch Thị Sinh, ở khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh vui vẻ cho biết, gia đình chị đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui hơn mọi năm, bởi vừa thoát nghèo nhờ nguồn thu nhập từ vườn khổ qua (mướp đắng) canh tác hữu cơ thuộc dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long”.
Chị Sinh cho biết thêm, gia đình chị có 500 m2 đất trồng rau, trước đây canh tác theo cách truyền thống sử dụng phân hóa học, năng suất đạt thấp, chất lượng không cao nên giá bán rất bấp bênh. Khi được dự án chọn tham gia mô hình trồng rau hữu cơ, gia đình chị được hỗ trợ đầu tư nhà lưới, trụ bê tông, hệ thống tưới tiêu và phân bón hữu cơ ở vụ sản xuất đầu tiên. Hiện nay, ruộng khổ qua của gia đình cho năng suất khá ổn định, thu nhập tăng cao.
Bà Tăng Thị Đẹp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết, mô hình trồng rau hữu cơ đã tạo sinh kế bền vững trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Có 30 hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu của thành phố Trà Vinh tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 21 triệu đồng/hộ; đồng thời, được tập huấn kỹ thuật, cách làm đất, làm phân bón hữu cơ, quy trình chăm sóc…
Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã đem lại thu nhập bền vững, giúp người nghèo tham gia mô hình có thu nhập ổn định hơn. Hiện nay, đa số các hộ có lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/vụ/trên 200 m2 canh tác, cao hơn từ 10-20% so với cách sản xuất truyền thống trước đây. Điều tâm đắc hơn đối với các hộ tham gia mô hình là nhờ sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Từ thành công này, chính quyền thành phố Trà Vinh đang hỗ trợ người dân trên địa bàn nhân rộng mô hình. Địa phương cũng vận động và hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã để dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Kiên Banh, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết, tỉnh luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Năm 2018, từ nguồn vốn được Trung ương phân bổ gần 52 tỷ đồng, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư xây dựng 76 công trình hạ tầng tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135; hỗ trợ gần 800 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Nhờ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nên vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh ngày càng khởi sắc. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn hơn 16.000 hộ nghèo, giảm 2,46% so với cuối năm 2017; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,4%/năm, vượt 1,4% so với chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết của tỉnh.
Xuân Kỷ Hợi 2019, trên những con đường nông thôn mới sặc sỡ sắc hoa, phum sóc Trà Vinh ước nguyện một năm mới sung túc, đủ đầy, ấm no và nhiều may mắn.