Ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, Bạc Liêu là tỉnh có đa dạng các dân tộc thiểu số với trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 9,2% dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất với trên 17.000 hộ, chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng cơ bản ổn định và phát triển. Việc thực hiện chính sách dân tộc, phong trào thi đua gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Diện mạo phum sóc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa ngày càng khởi sắc. Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, tạo nên sức sống mới ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số được giảm đáng kể, hiện chỉ còn 1.624 hộ, chiếm 7,46% so với tổng số hộ.
Kết quả trên có được là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn, toàn diện của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, sự điều hành, tích cực, chủ động của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đó còn là kết của của sự đồng lòng, quyết tâm của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự đóng góp nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ và sự nỗ lực không ngừng của đồng bào, các vị chư tăng Khmer.
Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, để nâng cao đời sống cho đồng bào Khmer, tỉnh Bạc Liêu tập trung lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều chương trình, đề án khác. Các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần làm thay đổi diện mạo các phum, sóc có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần ở vùng dân tộc được nâng lên. Các khu vực có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp, trạm y tế và có trường học kiên cố…
Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, phù hợp với yêu cầu ổn định, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng. Nội dung các chính sách ngày càng đa dạng, sâu rộng, hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ ngày càng được nâng lên. Nhất là Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, đã tạo ra động lực mới, kịp thời đáp ứng yêu cầu đẩy sự phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Theo đó, vốn được phân bổ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là 67,2 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương 58,4 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh đối ứng 8,8 tỷ đồng.
Trợ lực giúp đồng bào phát triển
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển mô hình kinh tế nông hộ bền vững... Từ đó, người dân có điều kiện, động lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống.
Bà Thạch Thị Lan, xã Phong Tân, (thị xã Giá Rai) cho biết, bà con trong các phum sóc làm ăn khấm khá và phát triển hơn trước. Nhà nào cũng có thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng tốt hơn. Con cháu được học hành tử tế, có việc làm ổn định. Vui nhất là phum sóc bây giờ phát triển chẳng thua gì thành thị.
Anh Lâm Chí Tâm, phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) cho biết, trước đây, gia đình còn gặp nhiều khó khăn, không có nguồn vốn để phát triển sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và các cấp chính quyền, gia đình anh đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.
Anh Danh Thol ở ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân chia sẻ, trước đây, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế của gia đình khó khăn. Hai vợ chồng anh phải đi làm thuê, xa nhà thường xuyên. Các cấp chính quyền, địa phương đã quan tâm hỗ trợ, định hướng, người dân tiếp cận nguồn vốn, đổi mới tư duy kinh tế. Những cánh đồng lúa hoang hóa của gia đình trước đây được chuyển đổi thành cánh đồng tôm - lúa cho giá trị kinh tế cao, bền vững.
Theo Thượng tọa Tăng Sa Vong, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, được sự đầu tư của Trung ương cùng với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, sư sãi Khmer không ngừng cải thiện và nâng lên về mọi mặt.
Địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 22 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 7 ngôi chùa Salatel. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, đưa phum sóc ngày càng phát triển. Hội còn phối hợp với các ngành chức năng, vận động đồng bào Khmer tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động của các phần tử xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng một lòng xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp.