Nhìn lại rừng và làng

Phát triển bền vững Tây Nguyên -Bài 1

Phát triển Tây Nguyên bền vững không chỉ là ý chí chính trị, là mơ ước mà trên thực tế đã được cụ thể hóa bằng những kế hoạch, những hoạch định chiến lược trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hàng chục năm qua.

Lớp thảm thực vật rừng rộng lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm trên địa phận huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Sau hơn 40 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với sự đầu tư sức người, sức của vô cùng to lớn của Nhà nước, Tây Nguyên đã mang một diện mạo mới về kinh tế - xã hội; theo đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã thực sự làm cuộc đổi đời.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển bền vững Tây Nguyên lại được đặt ra như một nhu cầu khách quan, một sự thôi thúc nội tại.

Điều này đòi hỏi phải đánh giá tổng thể, khoa học, nghiêm túc, khách quan về thực trạng hiện nay, để từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong định hướng phát triển, làm cho Tây Nguyên phát huy được tiềm năng, vượt qua thách thức, đạt được các mục tiêu chiến lược.

Công việc này cần có sự phối hợp đa ngành, liên ngành để khảo sát, đánh giá toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đưa ra chiến lược phát triển bền vững đối với Tây Nguyên. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến hai yếu tố quan trọng trong đời sống đồng bào Tây Nguyên là không gian rừng và không gian văn hóa.

Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, rừng là môi trường sống, là không gian sinh tồn và phát triển. Rừng không chỉ là đại ngàn cung cấp cho con người những nhu yếu phẩm hàng ngày mà còn là không gian thiêng làm nên cốt cách văn hóa, tập quán, luật tục, hệ thống ứng xử của con người với thiên nhiên và xã hội.

Rừng thực sự là chiếc nôi của mỗi cộng đồng, nơi mà con người được sinh ra, lớn lên tiếp nhận các luật tục để chung tay góp sức xây dựng nên một thiết chế xã hội, văn hóa; đồng thời bảo vệ không gian sinh tồn chung cho cả cộng đồng là rừng. Rừng Tây Nguyên đã tạo nên một lối sống, một nền văn hóa mang đặc thù đại ngàn của đồng bào các dân tộc.

Sở dĩ Tây Nguyên trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những buôn làng vẫn giữ được nét đặc trưng trong đời sống văn hóa và kinh tế là nhờ rừng. Một khi mất rừng thì đời sống của đồng bào sẽ xáo trộn kéo theo những biến động xã hội với những hệ lụy khôn lường. Rừng là nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững. Do vậy, giữ rừng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Thực tế trong nhiều năm qua rừng Tây Nguyên đã bị khai thác/bị phá một cách có qui mô rất lớn. Việc mất rừng ở Tây Nguyên do rất nhiều nguyên nhân nhưng có thể qui vào 4 nguyên nhân chính như sau:

1/ Trong những năm sau giải phóng việc khai thác gỗ rừng đã được thực hiện theo các chỉ tiêu giao cho các doanh nghiệp. Nhiều Liên hiệp các xí nghiệp nông lâm sản đã được thành lập để khai thác và chiến biến lâm sản, làm cho nhiều vùng rừng bị phá trắng hoặc khai thác hết gỗ quí trong vùng rừng lõi.

2/ Việc phát triển cây cao su, cà phê phá vỡ qui hoạch theo cách chạy dự án chuyển đổi rừng nghèo thành đất trồng cao su; nhưng trong nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư đã xin các dự án biến các cánh rừng giàu thành rừng nghèo, rồi tận thu lâm sản trên rừng nghèo rồi biến đất rừng thành đất trồng cao su, cà phê.

3/ Sau khi triển khai nhiều công trình thủy điện trách nhiệm trồng rừng thay thế là bắt buộc đối với các dự án thủy điện, nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết các chủ đầu tư đều trốn tránh trách nhiệm này làm cho mất rừng vĩnh viễn.

4/ Do chính sách di dân những năm sau giải phóng và di dân tự do đến tận ngày nay đã làm cho tốc độ tăng dân số cơ học rất mạnh, từ khoảng gần 1 triệu người với 12 dân tộc sau giải phóng, tăng lên 5 triệu người hiện nay với tỷ lệ người dân tộc bản địa chiếm khoảng 23-27 %, tạo ra áp lực về đất sản xuất, xảy ra tình trạng phá rừng, đốt nương làm nương rẫy trên diện rộng, trong thời gian dài, làm mất một diện tích rừng khá lớn.

Một lớp học chữ dành cho chị em phụ nữ dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk. Ảnh: Phương Hoa/ TTXVN

Người dân ở Tây Nguyên đều biết, các làng là chủ của các vùng rừng, không có vùng rừng, đất rừng nào là vô chủ. Đất, rừng được làng quản lý theo chế độ “công hữu” không ai được xâm phạm. Vì vậy mà trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, người Tây Nguyên vẫn giữ được rừng. Bởi vì rừng là không gian sống chung của làng.

Từ rừng mà người dân canh tác làm nương rẫy, dựng nhà cửa để an cư lạc nghiệp, rừng còn cung cấp cho con người những vật phẩm cho cuộc sống hàng ngày từ muông thú săn bắn được đến rau quả cho bữa ăn hàng ngày và cả vấn đề lâu dài là gỗ để làm nhà.

Đặc biệt phải kể đến rừng ma đầu nguồn là khu rừng thiêng của các loại thần linh, không ai được xâm phạm. Đó cũng là một lý do để bảo vệ được rừng phòng hộ đầu nguồn. Đi giữa Tây Nguyên bây giờ thi thoảng lại thấy một cây cổ thụ cao vút giữa bình nguyên lộng gió; đó là dấu tích còn lại của các khu rừng ma đã bị tàn phá, nhưng những “thần cây” này không ai dám đụng vào, kể cả lâm tặc.

Tuy nhiên trong một thời gian dài chúng ta đã giao đất cho các nông lâm trường, các binh đoàn xây dựng kinh tế khiến cho nhiều diện tích rừng bị thu hồi mà sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Trong khi đó, dân mất rừng, không có đất sản xuất đã gây nên sự bức xúc tại nhều vùng; không ít nơi đã tạo thành điểm nóng.

Ở Tây Nguyên, rừng và làng gắn chặt với nhau, có làng thì phải có rừng, vì rừng không chỉ là môi trường sống đơn giản mà đã cấu trúc thành một không gian văn hóa, kinh tế, xã hội hoà quyện vào nhau, tạo nên một đặc sắc Tây Nguyên. Mất rừng thì tất cả các giá trị đặc sắc bị phai nhạt, những niềm tin “thần thánh” bị lung lay, biến thành kẽ hở trong đức tin để lọt các loại mê tín, dị đoan hay là các loại tà đạo vào đời sống của người dân.

Một khi không còn rừng, nhiều vùng dân cư đã được chuyển đổi nghề nghiệp, đời sống dù không đến nỗi khó khăn nhưng nền tảng văn hóa, tinh thần, tâm linh, đạo đức, đời sống vật chất, kinh tế của làng đã bị thay đổi. Không còn rừng thì thiết chế làng không còn vận hành, cơ sở hạ tầng của đời sống, phong tục, văn hóa, tâm linh có nguy cơ bị mai một, quyền sở hữu “công cộng” đối với lợi ích từ rừng không còn, làng Tây Nguyên đã mất đi cái hồn cốt căn bản, nền tảng không gian sinh tồn của cộng đồng bị lung lay.

Nhìn một cách khái quát nhất, chúng ta có thể thấy làng Tây Nguyên là một cộng đồng cư trú, cùng nhau sở hữu một vùng rừng và hưởng lợi ích từ đó theo sự điều hành của hội đồng già làng. Đồng thời có chung một nền văn hóa, tâm linh với những nhà dài, nhà rông, những bản trường ca dường như bất tận cùng với cồng chiêng âm vang đại ngàn từ đời này qua đời khác; có hiện thực mùa vụ, cây trái, muông thú và có cả thần linh trong tâm thức, tạo nên một niềm tin đầy sức sống vào rừng.

Rừng và làng là cái nôi nuôi dưỡng các dân tộc Tây Nguyên nhưng cũng là bức thành đồng trên “mái nhà của ba nước Đông Dương” . Phát triển Tây Nguyên bền vững trước hết là giữ được rừng. Chỉ khi có rừng, còn rừng thì thiết chế của làng mới được vận hành như luật tục, phong tục bao đời, rừng không còn là vô chủ; con người lại có niềm tin vào rừng, nhờ rừng để sinh tồn trong bản sắc độc đáo của Tây Nguyên.

Xem tiếp Bài 2 tại đây


Nguyễn Quang Vinh (TTXVN)
Phát triển bền vững Tây Nguyên - Bài III
Phát triển bền vững Tây Nguyên - Bài III

Nói về rừng và đất rừng Tây Nguyên không thể không nói tới một cái mốc mang tính lịch sử trong việc quản lý và bảo vệ rừng, đất rừng theo pháp luật. Đó là nghị định số 17-HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về thi hành Luật Bảo vệ rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN