Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở xã vùng cao Tuyên Quang

Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương cho người dân địa phương noi theo… những cán bộ, đảng viên ở xã vùng cao 135 Khau Tinh, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Người dân nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, học theo những cán bộ năng động để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Chú thích ảnh
 Anh La Văn Chuyên (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Khau Tinh, giới thiệu về đàn trâu nuôi nhốt chuồng của gia đình.

Theo những người dân ở xã Khau Tinh, nói về cán bộ, đảng viên làm kinh tế giỏi không thể không nhắc tới anh La Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khau Tinh. Anh là người đầu tiên ở xã nuôi trâu vỗ béo theo hướng sản xuất hàng hóa.

Anh Chuyên chia sẻ: "Khau Tinh là xã vùng cao với điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa… Những năm trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã chủ yếu chăn nuôi trâu theo hình thức thả rông trên đồi, trên núi. Cách đây 4 năm, Đảng ủy xã có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi từ nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt vỗ béo, theo hướng sản xuất hàng hóa, tôi đã vận động người dân triển khai. Tuy nhiên, vì trong xã chưa có hộ dân nào chăn nuôi theo hình thức này nên không hộ dân nào mạnh dạn chuyển đổi. Từ đó, tôi nhận ra bản thân mình phải làm trước, phải thoát nghèo và làm giàu trước để người dân học theo".

Nghĩ là làm, anh Chuyên quyết định vay mượn để xây dựng chuồng trại, mua thêm trâu về nuôi và trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn trâu. Năm đầu tiên anh nuôi 4 con, sau khi bán anh trả được nợ ngân hàng và quyết định đầu tư nuôi nhiều hơn. Lúc nuôi nhiều, đàn trâu của gia đình anh lên tới 25 con. Hiện nay gia đình anh đang nuôi 8 con trâu. Hai năm trở lại đây, mỗi năm từ nuôi trâu vỗ béo, gia đình anh thu về từ 80 - 150 triệu đồng tiền lãi. Thấy nuôi trâu vỗ béo có hiệu quả, anh đã vận động nhân dân trong thôn, trong xã làm theo.

Anh Hoàng Văn Ba, Bí thư Chi bộ thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh cho biết: Thôn Khâu Tinh có 164 hộ dân, học tập anh Chuyên, hiện nay một nửa số hộ dân trong thôn đã chuyển sang nuôi trâu theo hình thức nuôi nhốt chuồng vỗ béo. Toàn thôn hiện có 400 con trâu, việc chăn nuôi trâu vỗ béo đang là hướng đi đúng giúp các hộ dân trong thôn nâng cao thu nhập.

Chú thích ảnh
Đàn bò nuôi nhốt chuồng của gia đình chị Hoàng Thị Sơn, dân tộc Mông, thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang).

Chị Hoàng Thị Sơn, dân tộc Mông, thôn Khâu Tinh chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ nuôi trâu theo hình thức thả rông. Nhận thấy mô hình nuôi trâu theo hình thức vỗ béo của gia đình anh Chuyên mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đầu năm nay tôi đã quyết định học theo. Tôi đã được anh Chuyên hướng dẫn cách trồng cỏ, làm chuồng trại nuôi trâu. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 4 con trâu, 6 con bò. So với nuôi trâu theo hình thức cũ, nuôi trâu, bò theo hình thức nhốt chuồng thì trâu, bò lớn nhanh hơn, không mất nhiều thời gian chăn thả. Vì vậy, tôi có thêm thời gian chăm lo việc đồng áng, kiếm thêm thu nhập cho gia đình".

Cùng với người dân ở thôn Khâu Tinh, nhiều hộ dân ở các thôn khác trên địa bàn xã Khau Tinh cũng học tập theo mô hình nuôi trâu nhốt chuồng của anh Chuyên. Ông Phùng Văn Dinh, dân tộc Mông, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh chia sẻ: "Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi trâu vỗ béo để bán mà chỉ nghĩ nuôi trâu để lấy sức cày, kéo thôi. Từ khi thấy gia đình anh Chủ tịch Hội Nông dân xã làm giàu từ nuôi trâu vỗ béo, tôi đã học theo. Hai năm trở lại đây, năm nào gia đình tôi cũng nuôi 10 con trâu. Mỗi năm, từ xuất bán trâu vỗ béo gia đình tôi thu về khoảng 100 triệu đồng, nhờ đó vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn".

Lan tỏa phong trào phát triển kinh tế

Chú thích ảnh
Chị Lý Thị Thập (giữa), Chủ tịch Hội LHPN xã Khau Tinh, giới thiệu mô hình nuôi ngựa của gia đình.

Cũng giống như anh La Văn Chuyên, làm sao giúp người dân địa phương nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng vươn lên thoát nghèo cũng là trăn trở của chị Lý Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khau Tinh. Chị Thập là người đầu tiên ở xã Khau Tinh chọn nuôi ngựa để phát triển kinh tế.

Chị Thập cho biết: "Từ khi làm cán bộ xã tôi luôn trăn trở làm sao để giúp người dân địa phương thoát nghèo. Tuy nhiên, để vận động được người dân, bản thân mình phải gương mẫu làm trước. Do đó, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và nhận thấy nuôi ngựa rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của xã. Năm 2016, gia đình tôi đầu tư 200 triệu đồng để mua 4 con ngựa bạch và 4 con ngựa thường về nuôi. Nuôi ngựa có nhiều ưu điểm: Ít bị dịch bệnh, đầu ra ổn định, độ rủi ro trong chăn nuôi thấp… vì vậy, tôi dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 20 con ngựa bạch, 5 con ngựa thường, 10 con trâu theo hình thức nhốt chuồng".

Với hướng đi phù hợp, hai năm trở lại đây, từ nuôi ngựa và nuôi trâu mỗi năm gia đình chị Thập thu về khoảng gần 200 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi ngựa, chị Thập đã vận động, hỗ trợ kinh nghiệm nuôi ngựa cho 5 hộ dân trên địa bàn xã làm theo, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Chú thích ảnh
Chị Nông Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Khau Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang), chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Ngoài chăn nuôi, việc trồng cây ăn quả cũng đang được người dân ở Khau Tinh phát triển mạnh. Người đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương chính là chị Nông Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Khau Tinh. Chị Nhung chia sẻ, cách đây 6 năm gia đình chị mạnh dạn trồng 1.000 cây cam, bưởi, táo trên diện tích đất trước đây vẫn trồng sắn. Cùng với người thân trong gia đình, ngoài thời gian làm việc ở xã, chị Nhung còn tranh thủ thứ 7, chủ nhật chăm sóc đồi cây. Cách đây 3 năm, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu hoạch; mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, gia đình chị còn hỗ trợ 7 hộ trong xã kỹ thuật trồng cây ăn quả. Ông Phùng Văn Hồng, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, cho biết: "Trước đây, diện tích đất đồi của gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, ngô, thu nhập không đáng là bao. Từ khi được chị Nhung vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 200 cây cam, bưởi. Năm vừa qua, cây ăn quả của gia đình tôi đã cho thu hoạch, lãi hơn 50 triệu đồng".

Ông Hoàng Việt Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh cho biết: Khau Tinh là xã 135, còn nhiều khó khăn. Xã có 370 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 98%, chủ yếu là đồng bào Tày, Mông, Dao. Vài năm trở lại đây, nhờ những tấm gương cán bộ xã phát triển kinh tế giỏi như đồng chí Chuyên, đồng chí Nhung, đồng chí Thập… đã giúp thay đổi nhận thức của người dân địa phương về những hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa. Đây cũng là cơ sở để thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt chuồng, vỗ béo; chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thu nhập thấp sang trồng cây ăn quả, trồng chè và một số loại rau trái vụ phù hợp với điều kiện địa phương, từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống…

Bài và ảnh: Vũ Quang (TTXVN)
Phát triển kinh tế số để đẩy mạnh thương hiệu Việt
Phát triển kinh tế số để đẩy mạnh thương hiệu Việt

Nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các ngành hàng tại Việt Nam, phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn, ngày 5/11, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Đẩy mạnh chiến lược thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam thập kỷ 2020 - 2030".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN