Phát huy vai trò cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ

Tỉnh Thái Nguyên ban hành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, địa phương với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trung tâm giáo dục, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ cuối năm 2022, tỉnh Thái Nguyên ban hành chương trình hành động và kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng sở, ban, ngành, địa phương với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao, trung tâm giáo dục, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch. Đặc biệt xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc...

Cụ thể hóa chương trình, kế hoạch đề ra, Thái Nguyên tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường hợp tác, phối hợp với các tỉnh trong vùng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng, chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng mang tính liên vùng.
 
Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, mang tính liên kết vùng như: Dự án tuyến đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng; dự án đường vành đai V vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu  (Định Hóa) - ngã ba Trung Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang)...
 
Cùng với hệ thống giao thông liên vùng, giai đoạn đến năm 2020, Thái Nguyên quy hoạch 11 khu công nghiệp và một khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích hơn 4.200 ha, trong đó, có 4 khu công nghiệp mới. Việc mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp theo trục giao thông liên kết vùng là tiền đề thu hút nhà đầu tư trong ngành, lĩnh vực có khả năng phát triển liên kết sản xuất, hình thành cụm ngành của vùng như công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo...
 
Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, Thái Nguyên ký thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn; hàng năm luân phiên phối hợp tổ chức chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" đem lại hiệu quả nhất định trong quảng bá, thu hút du khách...
 
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2023, Thái Nguyên đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,56% với giá trị GRDP ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai trong số 14 tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 113 triệu đồng, giá trị xuất khẩu đạt trên 27 tỷ USD, tổng thu ngân sách ước đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, đứng top đầu các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ngành thương mại, dịch vụ có tốc độ phục hồi và tăng trưởng trên 20% đang tạo sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế...
 
Với những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên đang phát huy tốt vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra.
 
Tiếp đà tăng trưởng, năm 2024, Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng phía Nam của tỉnh, dự án lớn, có tính liên kết, kết nối vùng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%, giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tăng 8%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 123 triệu đồng/người trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm ở mức dưới 3%.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Đưa Yên Bái vào nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Đưa Yên Bái vào nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Tối 24/9, Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đón Huân chương Lao động hạng Nhì cho thành phố Yên Bái và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN