Thực hiện Chỉ thị 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, thống nhất lựa chọn các hộ gia đình để phân công đảng viên phụ trách.
Bằng cách làm sáng tạo và linh hoạt, hiện nay ở 29/29 xã biên giới của tỉnh Điện Biên hoạt động của các đảng viên phụ trách hộ gia đình đã đi vào thực tiễn, bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào dân tộc khó khăn vươn lên ổn định đời sống, từ đó thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân trên dặm dài biên cương cực Tây Tổ quốc.
Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 300km, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nơi đây được ví là vùng đất “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”, có cột mốc số 0 “3 cạnh” phân định ranh giới, cương thổ 3 nước Việt Nam- Lào- Trung Quốc. Toàn xã có 7 bản với hơn 330 hộ, hơn 1.400 nhân khẩu, trong đó người Hà Nhì chiếm 96% dân số trong tổng số 7 cộng đồng dân tộc sinh sống nơi đây.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, cơ sở hạ tầng tại địa bàn vùng biên này được đầu tư xây dựng cơ bản; hệ thống cơ sở chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; kinh tế-xã hội có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh quốc phòng không ngừng được củng cố, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều…
Đóng chân trên địa bàn xã Sín Thầu, Đồn Biên phòng A Pa Chải quản lý diện tích rộng hơn 16.200 ha, bảo vệ hơn 40 km đường biên giáp Lào, Trung Quốc với 16 cột mốc. Triển khai thực hiện Chỉ thị 681, có 37 đảng viên Đồn Biên phòng A Pa Chải được giao phụ trách 126 hộ dân. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các đảng viên phụ trách đã thực hiện “3 bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với các hộ dân; thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, nắm rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, tâm tư nguyện vọng của từng hộ gia đình đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương có cách thức hợp lý giúp các gia đình phát triển kinh tế- xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo; đồng thời thực hiện hiệu quả công tác vận động tuyên truyền, gắn với quốc phòng an ninh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của người dân trong việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Trước đây, gia đình anh Vù Á Phù (bản Pờ Nhù Khồ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thuộc diện hộ nghèo, kinh tế càng khó khăn do con gái Vù Bích Nhận (sinh năm 2008) bị bệnh tim bẩm sinh. Nhờ cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải kết nối với chương trình “Trái tim cho em”, con gái của anh được phẫu thuật tim miễn phí tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), sức khỏe đã ổn định. Kinh tế gia đình anh vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất. Từ khi được đảng viên Đồn Biên phòng A Pa Chải phụ trách, gia đình anh thường xuyên nhận được sự quan tâm thăm hỏi, động viên, hướng dẫn truyền dạy kiến thức về sản xuất nông nghiệp, cách khai hoang làm ruộng nước, trồng lúa hai vụ…từ đảng viên biên phòng phụ. Sau nhiều vụ mùa bán nông sản, anh đã sửa chữa lại được căn nhà, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình và mua thêm được chiếc máy cày trị giá hàng chục triệu đồng để phục vụ sản xuất nông nghiệp và làm thuê cho người dân trong bản khi vào mùa vụ. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo bền vững.
Đại úy Lò Văn Điện, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Hàng tháng các đảng viên phụ trách hộ gia đình sẽ báo cáo với Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị về kết quả thực hiện ở hộ gia đình, từ đó Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị sẽ điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, biện pháp để phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa bàn. Sau hơn 1 năm thực hiện việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, tại xã Sín Thầu, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó mật thiết.
Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: Đời sống người dân trên địa bàn hôm nay đã no đủ hơn, kinh tế-xã hội phát triển, an ninh quốc phòng ổn định, chủ quyền lãnh thổ luôn được giữ vững. Điều đặc biệt là nhận thức, tư duy của người dân trên các mặt đời sống đã chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% người dân trên địa bàn đã biết trồng lúa nước, trồng xen canh cây ngô, lạc, cây sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao. Từ một xã nghèo, xuất phát điểm thấp, Sín Thầu nay đã đạt 18/19 tiêu chí và sẽ về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Cũng theo ông Pờ Chinh Phạ, là lực nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, những năm qua Đồn Biên phòng A Pa Chải đã triển khai công tác biên phòng, phân công lực lượng bám địa bàn, sâu sát với người dân; phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho chính quyền địa phương phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi sản xuất, phát triển diện mạo nông thôn vùng biên... Việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới đã khẳng định được vai trò, vị trí của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong trong xây dựng địa bàn, xây dựng nông thôn mới và tham gia xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị số 681 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và các Hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai rà soát, lập danh sách đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình trên địa bàn biên giới. Theo đó, có hơn 420 đảng viên phụ trách 1.700 hộ gia đình ở 29 xã thuộc khu vực biên giới. Các đảng viên đã nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa vùng biên…
Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết: Trong thời gian qua, các đảng viên được phân công đã chủ động, tích cực phát huy vai trò, phẩm chất trong việc phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng thôn bản để tuyên truyền, vận động; đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình được phụ trách để từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có những chủ trương, chính sách cụ thể để phát triển kinh tế từng hộ gia đình.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 455km tiếp giáp hai nước Trung Quốc và Lào. Địa bàn quản lý gồm 4 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Điện Biên với 29 xã, 313 thôn, bản (trong đó có hơn 110 thôn, bản giáp biên), có 16 cộng đồng dân tộc sinh sống với gần 25.500 hộ, gần 122.000 nhân khẩu... Từ kết quả thực hiện Chỉ thị 681 cho thấy, hoạt động của các đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình đã góp phần thiết thực khích lệ người dân địa phương vượt khó, vươn lên trong lao động sản xuất. Cuộc sống của hầu hết các hộ gia đình được phụ trách đã có những thay đổi rõ nét. Các hộ dân đã chấp hành tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương.
Để việc thực hiện Chỉ thị 681 có kết quả tốt hơn, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên yêu cầu mỗi đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình cần thực hiện tốt hơn phương châm “3 bám, 4 cùng”. Đồng thời tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất mô hình, cách làm hay, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Bộ đội biên phòng, gắn kết nghĩa tình quân dân, qua đó xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.