Trước tình trạng người dân thiếu đất ở, khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất và đã nhiều năm liền, đồng bào dân tộc thiểu số sống du cư tại nhiều khu vực rừng trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, huyện Lạc Dương đã lập dự án ổn định cho 190 hộ dân trong những khu vực này tới định cư tại thôn Đạ Nhim (xã Đạ Nhim) và thôn Đưng K’Si (xã Đạ Chais).
Theo đó, dự án bố trí ổn định khu dân cư thôn Đạ Nhim giai đoạn 1 sử dụng vốn trung ương với tổng kinh phí hơn 21,7 tỷ đồng, san nền tạo mặt bằng rộng 7,5 ha cho 90 hộ dân sinh sống; trong đó mỗi hộ dân được cấp 300 - 400 m2 đất, đường giao thông có tổng chiều dài gần 2 km, mặt đường rộng từ 3 - 7 m và được láng bằng bê tông nhựa dày 5 cm trên lớp cấp phối đá dăm dày 35 cm. Riêng hệ thống cấp nước được xây dựng giếng khoan lắp đặt ống vách PVC D300, dày 15 mm và công nghệ bể chứa 400 m3 cùng các phụ kiện đấu nối…
Hệ thống hạ tầng khang trang tại điểm dân cư thôn Đưng K'Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). |
Công trình hạ tầng điểm dân cư thôn Đưng K’Si giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng tạo hạ tầng dân cư cho 47 hộ trên phần đất 2,4 ha. Hệ thống giao thông tại các trục đường trong khu này rộng từ 4 - 7 m trên lớp cấp phối sỏi đồi 25 cm bằng bê tông xi măng Mac 250, dày 16 cm…
Hiện công trình hạ tầng điểm dân cư thôn Đưng K’Si giai đoạn 1 đã giải quyết đất ở cho 47 hộ và đã có 43 hộ xây dựng xong nhà ở. Nhiều ngôi nhà khang trang, như một khu phố mới vừa mọc lên. Huyện đang triển khai cải tạo mặt bằng chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 của dự án, nhằm giải quyết đất ở cho 53 hộ dân khác.
Gia đình anh Bon Tô Hà Thu, dân tộc Cil đang hoàn thành khu nhà kho phía sau, còn ngôi nhà chính phía trước vừa được hoàn thành xong, với sự đóng góp công sức của thanh niên trong làng. Gia đình anh Hà Thu là một trong 47 hộ được giao đất định cư tại công trình hạ tầng điểm dân cư thôn Đưng K’Si. Anh Hà Thu cho biết: “Trước kia mình ở phía bên kia suối, sau khi Nhà nước đầu tư khu dân cư này, mình được giao đất ở đây nên không định cư bên kia nữa. Ở đây có đường, điện và có nước sẵn”.
Bí thư xã Đạ Chais Kơ Dỡng Ha Quyên cho biết: “Trước đây, người dân sống du canh, du cư vẫn còn nhiều, khu tái định cư này được đầu tư khiến người dân rất ưng. Ngoài ngôi nhà chính, họ đều xây dựng đầy đủ các công trình phụ như nhà vệ sinh, nhà kho… khang trang, sạch đẹp, tạo nếp sống mới giúp người dân không còn tư tưởng du canh du cư nữa, các cháu đi học ổn định, người dân tập trung xây dựng đời sống ngày một tốt hơn”.
Đối với dự án ổn định khu dân cư thôn Đạ Nhim giai đoạn 1, công trình men theo những mảng đồi núi cạnh những rừng thông tạo nên mặt bằng cho người dân xây dựng nhà ở. Anh Kơ Sá Ha Đinh là một trong 57 hộ dân được giao đất xây dựng nhà ở trong đợt này, anh đang hoàn thiện dần những công đoạn cuối cùng xây dựng căn nhà gỗ rất đẹp trên khuôn viên 400 m2 được giao. Kơ Sá Ha Đinh cho biết: “Trước kia mình sống cùng gia đình vợ, chật chội, thu nhập thấp nên Nhà nước xét hỗ trợ, giao cho mình khu đất ở nơi này. Mình rất vui vì ở đây có đầy đủ tiện nghi, lại rất đẹp. Bây giờ, nhiều người thích vào ở trong này”.
Theo ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Lạc Dương, chủ đầu tư hai dự án trên, việc vận động người dân vào ở ổn định tại những khu tái định cư này hoàn toàn thuận lợi, không gặp bất kỳ khó khăn nào. Để có được sự thuận lợi đó, các khu định cư đã đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của người dân. Đối với những hộ dân vào sống ở các khu tái định cư trên, huyện không thu hồi đất đai, nhà cửa , mà cấp đất miễn phí để họ dựng nhà. Cảnh quan, nếp sống cũng theo truyền thống của chính người dân khi ở nơi cũ.
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, Phạm Triều cho biết: “Thành công lớn của các dự án này chính là sự đồng thuận của người dân. Các dự án đã đáp ứng đầy đủ những mong mỏi mà người dân bị thiếu từ lâu nay nên họ ủng hộ nhiệt tình và nỗ lực để định cư, ổn định cuộc sống”.
Tại nhiều nơi, các khu tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số thường khó đáp ứng được nhu cầu của người hưởng lợi, nhưng riêng hai dự án này của huyện Lạc Dương có diện tích đất ở hỗ trợ dân rộng hơn diện tích đất ở của người dân trong vùng; đồng thời nơi ở mới cũng gần nơi ở cũ, cùng với hệ thống điện, nước, trường học, sân chơi thể thao được tổ chức bài bản nên đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Từ những dự án như thế này, áp lực ngăn chặn việc hủy hoại thiên nhiên khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang sẽ giảm đi đáng kể. Đây chính là những mô hình hiệu quả về tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.