Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Nguy cơ cháy sau băng tuyết

Thời gian qua, diện tích rừng ở một số tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã bị ảnh hưởng băng giá, hạn hán, dẫn đến tình trạng cây cối ngã đổ gẫy cành, tạo ra tầng vật liệu dày, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Tiềm ẩn nguy cơ

Trở lại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên sau hơn một tháng kể từ đợt rét kỷ lục xảy ra vào cuối tháng 1/2016, khắp những cánh rừng trên các sườn đồi đã nhuốm một màu vàng úa, khô khốc. Đặc biệt, từ trung tâm xã lên đến đỉnh đèo Pha Đin theo Quốc lộ 6 cũ, chỉ còn lác đác số ít cây còn màu xanh, thay vào đó, hầu hết cây đều cháy lá, gãy cành, chết khô. Thời tiết hanh khô, diện tích thảm thực vật, rừng cây bị chết khô do băng tuyết đã làm tăng nguồn vật liệu gây nguy cơ cháy rừng trên diện rộng.

Việc người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên tự ý đốt thảm thực vật khô, lá khô ngay trong khu vực rừng khiến lửa lây lan nhanh rất khó kiểm soát.

Ông Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cho biết, những cánh rừng khô giống như những quả bom có thể kích nổ bất cứ lúc nào, chỉ cần một mồi lửa là có thể cháy cả khu vực rừng. Toàn xã Tỏa Tình hiện có hơn 260 ha rừng bị thiệt hại, nhiều diện tích rừng cây đã khô trên 80%. Chính quyền xã cũng ý thức được về nguy cơ cháy rừng cao từ những diện tích rừng này nên đã chỉ đạo người dân trên địa bàn tiến hành phát dọn, quét dọn những thảm thực vật, cành và lá khô dễ gây cháy để xử lý. Bên cạnh đó, xã huy động lực lượng làm đường băng cản lửa tránh nguy cơ lây lan cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, bảo vệ và sẵn sàng dập lửa khi xảy ra cháy.

Tuy nhiên, khi có mặt tại Tỏa Tình vào thời điểm giữa trưa, trời nắng gắt, gió khá mạnh, chúng tôi đã chứng kiến người dân ngang nhiên đốt lá, thảm thực vật và cành khô ngay trong rừng. Việc người dân đốt ngay trong rừng khiến lửa lây lan hàng chục mét. Đáng lo ngại hơn là việc đốt rừng như thế này lại được thực hiện khi chỉ có vẻn vẹn vài người. Khi phát hiện lửa lan nhanh, người dân mới dập lửa bằng một cái bình để phun thuốc sâu đựng được vài chục lít nước.

Chủ động các biện pháp

Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là một trong những xã có diện tích rừng đứng thứ 2 của huyện Mù Cang Chải. Để hạn chế tình trạng cháy rừng trên địa bàn, xã Lao Chải đã sớm kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR và thành lập các tổ, đội xung kích tại cơ sở nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân và ký cam kết về công tác PCCCR.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban chỉ đạo ứng cứu phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của các địa phương đang tập trung chỉ đạo các xã làm tốt công tuyên truyền về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh năm 2015 - 2016.

Hiện nay, thời tiết ở Tây Nguyên đang trong giai đoạn đầu của đỉnh điểm nắng nóng và gió mạnh (dự báo cháy rừng đang ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm), tỉnh Gia Lai đã huy động tổng lực vào công tác phòng, chống cháy rừng, cố gắng không để rừng bị cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 180 điểm trọng yếu dễ cháy với diện tích hơn 220.000 ha tại địa bàn 10 huyện. Phương án phòng chống cháy rừng của từng chủ rừng đã được xây dựng và triển khai nghiêm túc ngay từ đầu mùa khô 2015 - 2016; trong đó, tiêu chí hàng đầu là bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời có lửa rừng và huy động lực lượng dập tắt, không để cháy lây lan ra diện rộng. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng bố trí lực lượng canh lửa 24/24 giờ, tập trung ở những vùng rừng trọng điểm dễ cháy trên các địa bàn Chưpảh, Đức Cơ, Mang Yang, Chưprông, Chư Sê, Krôngpa...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 20/1/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Chỉ thị số 568/CT-BNN-TCLN về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hạn diễn ra ở một số địa phương, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp IV, V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), đặc biệt trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ. Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; và Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCLN ngày 23/10/2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng E1 Nino.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao về phá rừng, khai thác, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm. Triển khai thực hiện quyết liệt phương án PCCCR tại các địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn. Tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch; quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác; có phương án kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng tại những khu rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng và PCCCR. Công tác kiểm tra, đôn đổc phải được các cấp, ngành triển khai thực hiện thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm của mùa khô. Bố trí thường trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm chỉ huy PCCCR trong thời kỳ cao điểm nắng nóng.
Bài và ảnh: Xuân Tư - Viết Tôn
Rừng đặc dụng Copia trước nguy cơ cháy
Rừng đặc dụng Copia trước nguy cơ cháy

Đợt băng giá, mưa tuyết xảy ra vào cuối tháng 1/2016 khiến gần 4.000 ha rừng đặc dụng Copia nằm ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt cây bị gãy đổ, bật gốc, rụng lá. Đến nay, diện tích rừng này đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN