Phấn đấu tăng trưởng 2 con số
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, năm 2025, tỉnh tăng tốc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tỉnh ủy tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tập trung lãnh đạo khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tiếp tục nâng lên đời sống nhân dân.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế từ 7,5% trở lên, nỗ lực đạt trên 10%; GRDP bình quân đầu người 90 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,5% trở lên, công nghiệp tăng 10% so với năm 2024; tổng thu ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 48.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 41,45%; duy trì tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều dưới 2%...
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện quyết liệt, hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là khai thác các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực truyền thống để đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số; trong đó, tập trung tạo bức phá công nghiệp và dịch vụ du lịch, nâng lên giá trị gia tăng nông nghiệp - thủy sản; huy động tối đa các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên. Tỉnh triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển.
Mặt khác, tỉnh tập trung phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chăm lo sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số xếp hạng năm 2025 đứng thứ 11/63 tỉnh, thành cả nước.
Cùng đó, tỉnh thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua để đạt mục tiêu “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thực hiện hiện quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, chú trọng công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gỡ “điểm nghẽn”
Tỉnh tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển các ngành kinh tế chủ lực, đẩy mạnh tăng trưởng ở mức cao, góp phần thực hiện đạt mục tiêu năm 2025 đề ra và nhiệm kỳ kinh tế - xã hội (2021 - 2025).
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Đơn vị chức năng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, diện tích sản xuất đạt chuẩn, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp và nuôi biển, nhân rộng mô hình nuôi trồng hiệu quả, cấu trúc lại nghề khai thác thủy sản theo hướng bền vững gắn với chống khai thác IUU. Tỉnh xây dựng, phát triển ngành thủy sản theo định hướng trở thành Trung tâm Kinh tế biển của quốc gia; phát triển thương hiệu nông, thủy sản tầm khu vực, quốc tế.
Qua đó, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng lúa đạt 4,6 triệu tấn, với tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng gạo cao trên 90% tổng diện tích gieo trồng; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 811.000 tấn; trong đó, khai thác 420.300 tấn, nuôi trồng 390.700 tấn.
Về lĩnh vực kinh tế công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ, tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Sở phối hợp với ngành chức năng, đơn vị liên quan thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kết hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc về đầu tư để huy động nguồn lực phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, rà soát đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm gắn với phát triển các nhà máy chế biến về nông sản, thủy sản ngay tại vùng nguyên liệu; tranh thủ các nguồn lực đầu tư cấp điện lưới quốc gia ra xã đảo An Sơn và Nam Du (Kiên Hải). Tỉnh đặt mục tiêu, giá trị sản xuất công nghiệp hơn 62.821 tỷ đồng, tăng 10% và kim ngạch xuất khẩu 1,07 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2024.
Đối với “ngành công nghiệp không khói”, tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho hay, sở phối hợp với ngành chức năng, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng thương hiệu. Tỉnh đặt mục tiêu thu hút 10,65 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 1,1 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển; thu hút doanh nghiệp có năng lực, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Tỉnh đồng hành, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, tăng cường liên kết, phối hợp giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định và bền vững.
Tỉnh đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh thực hiện hiệu quả điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, nước, rác thải, các thiết chế văn hóa… gắn với tăng cường quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý rừng, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố biển đảo Phú Quốc.
Tỉnh xây dựng đảo Phú Quốc là điểm đến du lịch tuyệt vời của khu vực, thế giới và “đảo Ngọc” này là cực tăng trưởng mạnh, tạo sức mạnh nội lực hỗ trợ các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác của tỉnh cùng phát triển.
Trong hành trình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, tỉnh Kiên Giang kỳ vọng sẽ phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội một cách toàn diện và bền vững, mang lại phồn vinh, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và đời sống sung túc, hạnh phúc của nhân dân.