Kiểm tra việc thực hiện Đề án 79 và công tác bảo vệ rừng tại Mường Nhé

Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch chỉ đạo hiệu quả hơn để nhanh chóng ổn định dân cư, tăng cường quản lý và bảo vệ rừng tại huyện biên giới Mường Nhé.

Từ ngày 21- 25/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng một số bộ, ban, ngành Trung ương đã có cuộc khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 79/QĐ/TTg ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79) và công tác bảo vệ rừng tại Mường Nhé, Điện Biên. 

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Nhé, thực hiện Đề án 79, Mường Nhé có 31 điểm bản được phê duyệt để sắp xếp, ổn định cho 1.079 hộ với trên 6.600 nhân khẩu trên địa bàn. Đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên đã thực hiện di chuyển 694 hộ đến các điểm bản được bố trí; giải ngân trên 632,5 tỷ đồng, trong tổng số trên 828 tỷ đồng vốn đầu tư được phê duyệt.

Tuy nhiên, tiến độ di chuyển dân rất chậm so với mục tiêu đề ra. Nhiều hộ dân đã hủy đăng ký đến nơi ở mới do các khu tái định cư không đảm bảo điều kiện thiết yếu. Tiến độ thực hiện xây dựng các công trình cơ sở thiết yếu chậm, tiến độ thẩm định và phê duyệt các hồ sơ xây dựng kéo dài.

Lán của những người di cư tự do bên khu rừng bị họ tàn phá.

Từ năm 2015 đến nay, huyện đã phát hiện 313 vụ vi phạm, phá rừng trái pháp luật với trên 296 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị phá. Đối tượng phá rừng chủ yếu là dân di cư ngoài kế hoạch, chưa có hộ khẩu thường trú, hành vi phá rừng rất tinh vi với số lượng người tham gia mỗi vụ rất đông, có vụ lên tới 50 người. Một số vụ có dấu hiệu chống người thi hành công vụ.

 

Qua kiểm tra thực tế, tiếp xúc với nhân dân địa phương và chính quyền cơ sở, Đoàn công tác đã phát hiện nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện Đề án 79 và công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương. Tình trạng người dân từ nơi khác đến địa bàn do sự thiếu kiên quyết trong công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền cơ sở. Đề án 79 có một số nhiệm vụ mới chỉ đạt được 60- 70% yêu cầu đặt ra. 


Từ năm 2013 đến nay, diện tích rừng bị phá không giảm, mỗi năm trung bình mất 150 ha rừng. Các cộng đồng dân cư được giao quản lý rừng có ý thức và tích cực đi tuần tra bảo vệ. Tuy nhiên, việc phá rừng có tổ chức, hành vi tinh vi và manh động, hành hung người đi tuần tra, người thi hành công vụ vẫn diễn ra. Tình trạng này vẫn chưa được xử lý kiên quyết. Các địa phương có người dân di cư ngoài kế hoạch đến Mường Nhé chưa tích cực tham gia vào việc giải quyết, đưa người dân của mình thuộc diện không được bố trí sắp xếp tại địa bàn quay về nơi sinh sống trước đây...

 

Rừng bị triệt hạ để làm nương rẫy.

Đoàn công tác yêu cầu địa phương cần đẩy nhanh tiến độ các dự án để nhanh chóng ổn định dân cư, bố trí đất theo phương án chuyển đổi phương thức sản xuất. Chính quyền cần xem xét lại những vụ việc liên quan đến phá rừng, chống người thi hành công vụ; nếu vụ việc nghiêm trọng, cần kiên quyết xử lý. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, nắm chắc địa bàn, kiên quyết xử lý tình trạng di cư ngoài kế hoạch.

 

Các thông tin tiếp nhận tại cơ sở, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch chỉ đạo hiệu quả hơn để nhanh chóng ổn định dân cư, tăng cường quản lý và bảo vệ rừng tại huyện biên giới Mường Nhé.

 

Tin, ảnh:Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Cấp sổ hộ khẩu khống - tiếp tay cho nạn phá rừng tại Mường Nhé
Cấp sổ hộ khẩu khống - tiếp tay cho nạn phá rừng tại Mường Nhé

Bằng cách lập sổ hộ khẩu khống, một số cán bộ cơ sở đã cấp “tấm vé thông hành” cho nhiều người di cư trái phép, phá rừng làm nương trong suốt thời gian dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN