Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, bình quân mỗi năm diện tích gieo trồng cây của tỉnh đạt khoảng 255.000 ha và hơn 60.500 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó trồng lúa hơn 200.000 ha và diện tích nuôi thủy sản vùng mặn lợ khoảng 55.500 ha mỗi năm. Đây là 2 lĩnh vực sản xuất đóng góp lớn về giá trị sản xuất toàn ngành và được chú trọng đầu tư mạnh mẽ ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nhanh, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện “Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình trọng tâm của tỉnh là đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để chuyển đổi mô hình sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Mục tiêu trọng điểm là phát triển nền nông nghiệp hiện đại tạo ra lượng hàng hóa chất lượng phục vụ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Yêu cầu của tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, chế biến cho các sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, nhất là hàng hóa nông sản; thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh.
Năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo triển khai ít nhất 7 nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, có lợi thế cạnh tranh. Số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15% và tỷ lệ hài hòa việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn địa phương (bao gồm tiêu chuẩn cơ sở) đạt khoảng 50%. Có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn tỉnh.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang chù trì phối hợp cùng các đơn vị chức năng để hực hiện chỉ tiêu chuyển đổi ít nhất 50% diện tích đất nông nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh có nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý được cấp mã số vùng trồng. Hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện bảo hộ 10 nhãn hiệu tập thể, 50 nhãn hiệu thông thường, 10 kiểu dáng công nghiệp, 5 sáng chế/giải pháp hữu ích và 5 nhãn hiệu được đăng ký quốc tế.
Đối với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì việc ứng dụng khoa học và công nghệ để đẩy mạnh phát triển sản xuất; thực hiện chương trình xây dựng vùng nông thôn theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", nhằm góp phần quan trọng để tỉnh Trà Vinh hoàn thành hoàn thành nhiệm vụ Chương trình nục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước năm 2025.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có gần 29.760 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động, công nghệ nhà lưới và thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận ASC, nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao… Các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ đều đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hiệu quả kinh tế cho các tập thể, hộ nông dân cao từ 3 - 10 lần so với phương thức sản xuất thông thường.
Cây lúa qua ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đã cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, cao hơn 01 tấn so với phương thức trồng lúa truyền thống; về trồng rau màu được sử dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp tưới phun cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP làm tăng giá trị cung ứng từ 10 - 15 %. Đối với vườn cây ăn trái như dừa sáp được ứng dụng cây phôi tạo giống mới cho tỉ lệ trái sáp đạt 70 %, cao hơn 30 - 40% so với cây giống được nhân từ cây giống đầu dòng. Đối với nuôi trồng thủy sản, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong ao nổi lót bạt cho sản lượng bình quân 40 - 50 tấn /ha/vụ, cao gấp 5 - 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường.
Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng vùng nước lợ và mặn được tỉnh Trà Vinh xác định là ngành sản xuất chủ lực trong khai thác và phát triển tiềm năng lợi thế về kinh tế biển. Hiện nay, nghề nuôi tôm vùng nước mặn và lợ của tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm khoảng 25.000 ha; trong này có hơn 11.000 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao
Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng tiến tiến, bền vững, nâng tổng diện tích nuôi tôm vùng nước lợ và mặn đến năm 2030 đạt khoảng 28.000 ha, tỉnh đã có kế hoạch ưu tiên đầu tư cho 3 nhóm dự án phát triển, gồm thực hiện 25 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện sản xuất cho nghề nuôi trồng với vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp, vốn thực hiện 105 tỷ đồng; ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho 5 dự án sản xuất và chế biến, vốn đầu tư khoảng 1.650 tỷ đồng.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã dành nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ gần 545 triệu đồng để thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Tôm Trà Vinh” do Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ AGL tổ chức thực hiện. Dự án nhằm đăng ký bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu “Tôm Trà Vinh” tại Việt Nam, với các sản phẩm tôm giống, tôm sú, tôm thẻ chân trắng (còn sống), tôm càng xanh (còn sống), tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh đông lạnh và tôm khô.
Dự án còn xây dựng mô hình quản lý và hệ thống văn bản quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Tôm Trà Vinh” phù hợp với pháp luật địa phương; xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gắn với nhãn hiệu nhằm quảng bá và phát triển sản phẩm “Tôm Trà Vinh”. Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, như Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh, góp phần quan trọng phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản.