Chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại có nhiều hướng đi mới đến vậy cùng kinh tế tuần hoàn. Tới thăm trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái dịp sát Tết Giáp Thìn mới thấy sự tấp nập của cơ sở chăn nuôi món hàng “phải có” mỗi dịp Tết đến.
Trang trại chăn nuôi gà thịt của anh Tùng có quy mô 10.000 con một lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, như vậy anh Tùng cung ứng ra thị trường khoảng hơn 50 tấn gà thương phẩm mỗi năm. Trong đó, dịp Tết trang trại xuất bán lượng hàng gấp đôi so với ngày thường.
Kể về mô hình trang trại chăn nuôi tuần hoàn, anh Tùng hồ hởi chia sẻ: Nếu trước đây, lượng chất thải của trại gà lên tới hàng chục tấn, hướng xử lý lượng chất thải này là bài toán nan giải. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ lượng chất thải rắn của trang trại được xử lý thành phân bón hữu cơ cung cấp cho cây lâm nghiệp và các vườn ăn quả trong và ngoài xã.
Theo anh Tùng, phụ phẩm trong chăn nuôi gà là chất hữu cơ, chứa nhiều vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho cây trồng. Tuy nhiên, nếu được ủ hoai mục đúng cách, trải qua quá trình biến đổi, lượng phụ phẩm, chất thải sẽ trở thành chất dinh dưỡng cho cả đất lẫn cây trồng.
Chỉ sau khoảng 1 tháng rưỡi ủ hoai theo đúng kỹ thuật, nguồn chất thải hoai mục này được anh Tùng sử dụng bón cho diện tích hơn 2 ha quế của gia đình, số còn lại bán cho các hộ dân trồng cây ăn quả. Từ đó vừa có thêm nguồn thu nhập, vừa giải được bài toán về chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Tương tự với cách làm này, hộ gia đình ông Trần Văn Điểm ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) có trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn thịt, 10 lợn nái cũng áp dụng kỹ thuật này để tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi. Lượng chất thải hàng ngày từng là vấn đề khó, nhưng nay đã được gia đình ông tìm ra giải pháp bằng việc kết hợp trồng hơn 1 ha bưởi.
Tất bật dịp cuối năm, ông Điểm vẫn dành thời gian chia sẻ: Một phần lượng chất thải được thu gom, ủ vi sinh làm phân bón, một phần được hóa lỏng xử lý bằng biogas tạo khí đốt. Từ khi xây hầm khí biogas, gia đình không mất tiền chất đốt, mỗi tháng chỉ dùng hết khoảng 300.000 đồng tiền điện. Việc tận dụng toàn bộ lượng chất thải ủ hoai mục từ chăn nuôi lợn để bón cho diện tích cây ăn quả giúp đất tơi xốp, màu mỡ, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng quả, đồng thời giúp tiết kiệm khoảng 10 - 15 triệu đồng tiền mua phân bón hóa học mỗi năm.
Ông Ninh Trần Phương, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc chính của tỉnh Yên Bái khoảng hơn 820.000 con, đàn gia cầm hơn 7,3 triệu con. Chỉ khoảng 50% lượng chất thải chăn nuôi được xử lý để tái sử dụng làm phân bón, khí đốt, số còn lại được thải trực tiếp ra cống rãnh, ao, hồ... Do vậy, dù phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại có quy mô lớn. Địa phương tích cực khuyến khích các trang trại, hộ chăn nuôi sử dụng để gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường.
Gắn bó với người dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) hơn 20 năm, cây dâu, con tằm đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Trong đó, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học: Trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón của Nhà máy chế biến dâu tằm tơ Yên Bái đã trở thành mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả của địa phương.
Clip mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả từ trồng dâu, nuôi tằm:
Trong mô hình này, chu trình sản xuất khép kín gồm: Chăn nuôi tằm hữu cơ, sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ và sản xuất phân bón vi sinh. Chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất. Thực hiện mô hình sản xuất an toàn sinh học vừa tăng hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết: Công ty có thể thu mua toàn bộ số lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên thông qua việc ký hợp đồng thu mua kén tằm với các hợp tác xã và thương lái theo giá ổn định.
Bên cạnh đó, công ty còn kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các hợp tác xã, hộ nuôi tằm trên địa bàn huyện, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén.
Để có đủ nguyên liệu cho 2 dây chuyền hoạt động, công ty đã thu mua 15 tấn kén với giá bình quân 170.000 - 180.000 đồng/kg, có thời điểm kén loại 1 được thu mua tới hơn 200.000 đồng/kg. Điều này giúp nông dân yên tâm mở rộng diện tích trồng dâu cũng như đầu tư cho nuôi tằm.
Sau khi lấy tơ, những con nhộng, một phần được làm thực phẩm, một phần được công ty sấy khô, nghiền thành bột nhộng tằm làm thức ăn chăn nuôi rất giàu protein. Một số phụ phẩm được chế biến thành phân bón cho bà con trong vùng chăm sóc cây dâu.
Tham gia vào chuỗi liên kết nuôi, trồng dâu tằm này, ông Nguyễn Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm tơ Việt Thành chia sẻ: “Trồng dâu, nuôi tằm là nghề truyền thống nhiều năm của địa phương, nhưng việc tái sử dụng phụ phẩm từ nhộng tằm làm phân bón cho chính những cánh đồng dâu thì chỉ mới thực hiện gần đây. Cách làm này đang góp phần giảm chi phí phân bón cho hợp tác xã từ khoảng 10 - 30%, thức ăn giàu dinh dưỡng cũng làm tăng năng suất lá dâu”.
Biến những chất thải từ chăn nuôi thành chất đốt, thành thức ăn chăn nuôi hay phân bón đang mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người nông dân trong đó có cả lợi ích về kinh tế. Từ những mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu tại Yên Bái, có thể hình dung bức tranh lớn của một thế hệ nông dân thông minh biết áp dụng công nghệ, tận dụng mọi tiềm năng từ đồng ruộng, liên kết nhiều bên để tăng cường sức mạnh cho nông nghiệp Việt Nam.
Bài viết: Minh Tuệ/Báo Tin tức
Ảnh: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy
11/02/2024 11:17