Hoạt động bảo tồn văn hóa, gắn kết cộng đồng tại Đắk Lắk thu hút du khách

Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tỉnh Đắk Lắk cùng các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội để nhân dân và du khách thưởng thức, tham quan, du lịch. Nhiều hoạt động gắn với bảo tồn văn hóa, gắn kết cộng đồng, trải nghiệm đã tạo cho du khách ấn tượng tốt đẹp.

Chú thích ảnh
Nhiều đoàn du khách lần đầu đến Tây Nguyên, thích thú chụp hình lưu niệm với cây sầu riêng. 

Trải nghiệm vườn sầu riêng hút du khách

Trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 nói chung và trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 2 năm 2024 nói riêng, tại tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên diễn ra hoạt động trải nghiệm, tham quan và thưởng thức sầu riêng tại vườn. Du khách được bố trí thăm các con đường đến vườn sầu riêng; nghe giới thiệu về quy trình canh tác cây sầu riêng; tìm hiểu về 3 cây sầu riêng cổ và thưởng thức sầu riêng tại chỗ. Đông đảo du khách từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có nhiều người lần đầu đến Tây Nguyên thích thú trải nghiệm hoạt động này.

Em Trần Ngọc My, du khách đến từ tỉnh Kiên Giang chia sẻ, tham quan, trải nghiệm vườn sầu riêng khiến em thích thú. Đặc biệt, Ban tổ chức, người dân và tình nguyện viên nhiệt tình, phục vụ chu đáo, em và gia đình rất hài lòng. Được ăn sầu riêng tại vườn, cảm giác của My vừa thú vị, vừa thấy ngon miệng. Ngoài ra, My còn ấn tượng với các hoạt động khác của Lễ hội như Lễ hội đường phố, chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Lễ khai mạc, đêm nhạc DJ…

Còn theo anh Hà Minh Thiện, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động trải nghiệm, tham quan và thưởng thức sầu riêng tại vườn là sản phẩm du lịch hay và bổ ích, giúp du khách thưởng thức được sầu riêng tận vườn, hiểu được công sức vất vả của bà con để ngày càng ủng hộ nông sản Việt. Đồng thời, là gia đình có con nhỏ, anh Thiện mong muốn tỉnh Đắk Lắk có nhiều tour du lịch trải nghiệm để các con khám phá.  

Để chuẩn bị cho sản phẩm du lịch mới này, huyện Krông Pắc xây dựng cơ sở, trang trí khuôn viên vườn rộng 6 ha của các hộ dân ở xã Ea Yông và 9 tấn sầu riêng phục vụ du khách thưởng thức miễn phí. Tại các điểm tham quan còn diễn hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Theo ông Mai Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sạch, huyện Krông Pắc, sản phẩm du lịch mới mẻ này sẽ là cơ duyên để kết nối du khách với nông dân một cách lâu dài, đưa trái sầu riêng đến người tiêu dùng, không phải qua các khâu trung gian, giải quyết các vấn đề cơ bản về giá cả, tiêu thụ sản phẩm. Thời điểm nào vườn sầu riêng cũng có sức hấp dẫn riêng cho du khách trải nghiệm và học tập kinh nghiệm. Do đó, Hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng vườn trồng và tìm hiểu cách thức làm du lịch tốt nhất để thu hút du khách.

“Đối với những người nông dân lâu nay chỉ biết tập trung vào sản xuất trên mảnh vườn của mình nên việc làm du lịch rất xa lạ. Người nông dân chỉ có “vốn liếng” là tình cảm và sự nhiệt huyết, do đó, nông dân cần sự giúp đỡ của Nhà nước, cơ quan chuyên môn hướng dẫn kiến thức du lịch, hỗ trợ thủ tục, điều kiện làm du lịch” - ông Mai Đình Thọ nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, tour du lịch trải nghiệm vườn và thưởng thức sầu riêng miễn phí là một trong những điểm nhấn của Lễ hội Sầu riêng lần thứ 2 năm 2024. Để chuẩn bị chu đáo cho hoạt động này, huyện chỉ đạo, hỗ trợ các hợp tác xã làm nông nghiệp sạch về cơ sở vật chất, làm đường giao thông, xây dựng các điểm tham quan; tập huấn lực lượng hướng dẫn viên, tình nguyện viên. Huyện mong muốn, sau thành công ở Lễ hội Sầu riêng, trên địa bàn hình thành được tour du lịch đưa du khách đi tham quan đồn điền cà phê Ca Da, trang trại cà phê, vườn sầu riêng, thưởng thức văn hóa ẩm thực Tây Nguyên… Huyện sẽ bố trí kinh phí để tiếp tục đào tạo nghiệp vụ cho bà con nông dân nhằm khai thác, phát triển hiệu quả du lịch sinh thái.

Chú thích ảnh
Du khách thưởng thức sầu riêng miễn phí. 

Lan tỏa “thanh âm đại ngàn”

Bên cạnh các hoạt động của Lễ hội Sầu riêng, trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, Triển lãm sinh vật cảnh thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức chương trình trải nghiệm “Thanh âm đại ngàn”… Các khu, điểm tham quan, du lịch cũng tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu trải nghiệm văn hóa để phục vụ du khách.

Anh Nguyễn Thanh Long, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa cho biết, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay, công ty anh đến Đắk Lắk vừa tham quan, vừa học hỏi kinh nghiệm làm du lịch. Càng tham quan, anh càng thích thú và có thêm kinh nghiệm. Tỉnh Đắk Lắk có giàu bản sắc văn hóa của 49 dân tộc, cùng với các khu du lịch còn nguyên sơ. Do đó, thời gian tới, công ty anh Long sẽ nghiên cứu các tour du lịch giữa hai địa phương, kết nối rừng và biển.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cộng đồng KoTam, Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024 được tổ chức tại buôn du lịch cộng đồng Ako Dhông và tại Khu du lịch cộng đồng KoTam góp phần kích cầu du lịch, chung tay bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Khu du lịch đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tăng cường nhân sự, đảm bảo vừa phục vụ tốt cho du khách, vừa tạo điều kiện để Liên hoan diễn ra thành công, gắn kết du khách với cồng chiêng - thanh âm đại ngàn.

Với sự nỗ lực từ nhiều phía, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay, các khu, điểm tham quan, du lịch ở tỉnh Đắk Lắk tiếp đón khoảng 130.000 lượt khách, tăng 168,04% so với dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt, tăng 194,12%. Tổng số khách lưu trú ước đạt 75.000 lượt, tăng 188,46% so với dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm 2023. Tổng doanh thu từ du lịch dịp nghỉ Lễ khoảng 85 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, đơn vị tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động diễn ra trong dịp nghỉ Lễ, cũng như quảng bá các khu, điểm du lịch, hình ảnh, con người Đắk Lắk. Đồng thời, Sở triển khai các giải pháp như: Quán triệt các đơn vị niêm yết giá cả hàng hóa, giá vé, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phục vụ khách; kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, mập mờ giá cả hàng hóa dịch vụ. Nhờ vậy, lượng khách đến tỉnh Đắk Lắk dịp nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay tăng cao, đồng thời tiếp tục xây dựng được hình ảnh người Đắk Lắk “văn minh - thân thiện - mến khách” trong lòng du khách.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi trong tình hình mới
Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi trong tình hình mới

Sáng 16/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN