Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cho biết, các huyện, thị phải xác định mỗi huyện có ít nhất 1-2 mặt hàng chủ lực để xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm; trong đó ưu tiên mô hình nông nghiệp như sản xuất, chế biến nông sản từ điều, tiêu và ca cao. Đặc biệt ưu tiên phát triển mô hình trồng xen canh giữa điều và ca cao đạt hiệu quả kinh tế cao, lập thành vùng sản xuất lớn, phát triển kinh tế nông thôn bền vững ở Bình Phước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, trồng xen cây ca cao dưới tán điều bước đầu gặt hái hiệu quả. Bình quân 1 ha điều cho thu nhập 70 triệu đồng/vụ, cộng với cho thu thêm trên 50 triệu đồng/ha từ ca cao, giúp nâng giá trị kinh tế tăng gần gấp đôi.
Vườn ca cao trồng xen dưới tán điều. Ảnh: CTV |
Mô hình trồng xen canh giữa điều và ca cao đang được nông dân Bình Phước đón nhận. Hiện phong trào đang được nhân rộng mạnh nhất tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập với diện tích đã tăng lên 29 ha trồng xen canh cây điều và ca cao.
Toàn huyện Bù Gia Mập hiện có 20.400 ha điều, với sản lượng hàng năm 31.000 tấn, bình quân đạt sản lượng 1,8 tấn/ha, có hộ trồng điều đạt sản lượng lên 3,5 tấn/ha. Bù Gia Mập cũng có 24 doanh nghiệp chế biến điều, 122 cơ sở nhỏ lẻ chẻ hạt điều thô giải quyết trên 3.000 lao động. Thế nhưng, hoạt động liên kết 4 nhà chưa có phối hợp tốt.
Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập, Trần Quang Ty cho biết, vừa qua giá điều tăng mạnh, nhưng nông dân đã bán hết điều từ đầu vụ. Sau khi thu hoạch, nông dân thường bán ngay nên năm nào thời tiết thuận lợi được mùa thì giá thấp, còn mất mùa được giá. Do đó, cần có sự liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nông dân cần tập trung thâm canh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng năng suất… tiếp tục lựa chọn những giống mới năng suất cao để tăng thu nhập. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình sản xuất, giống tốt, năng suất cao để cải thiện vườn điều, doanh nghiệp nâng cao công nghệ chế biến để tăng sức cạnh tranh trên thị trường…
Bên cạnh việc phát triển mô hình trồng xen canh điều ca cao, Bình Phước cũng đang khuyến khích hình thành hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh vừa có chính sách hỗ trợ mô hình hợp tác xã trồng ca cao xen điều 10 triệu đồng/ha. Những hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 100% mức hỗ trợ này và hộ không phải đồng bào dân tộc thiểu số là 70%. Mặt khác, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng được hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt 100%/mô hình; hộ không phải đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 50%. Điều kiện nông dân được hỗ trợ trên phải là thành viên của hợp tác xã.