Hiện ở khu vực Suối Rằm, địa bàn xóm Táu Nà có 20 hộ người dân tộc Mông với 108 nhân khẩu của tỉnh Sơn La, 3 hộ với 23 nhân khẩu của tỉnh Yên Bái đang có hoạt động xâm canh, xâm cư, đã dựng nhà kiên cố và có ý định định cư lâu dài tại đây.
Ngoài ra, xóm Táu Nà còn có 21 hộ dân tộc Mông với 178 nhân khẩu của xã Hang Kia, huyện Mai Châu đã cư trú ổn định tại đây từ nhiều năm trước và đang có hiện tượng nhiều hộ người dân tộc Mông của xã Hang Kia thường xuyên đến khu vực này phá rừng, làm nương rẫy và có chiều hướng tiếp tục chuyển đến sinh sống tại khu vực này.
Đây là khu vực khu vực giáp ranh của 3 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa), điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách trung tâm xóm 10 km và giao thông đi lại chỉ có đường mòn đi bộ. Khu vực này không được quy hoạch dân cư, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm..). Phần lớn diện tích các hộ đang xâm canh, xâm cư đã được UBND tỉnh giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mai Bình quản lý, đầu tư để trồng hơn 1.665 ha rừng phòng hộ, kết hợp kinh tế, tạo vùng nguyên liệu tập trung.
Theo ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, hoạt động xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã Cun Pheo đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, phá vỡ quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự và nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, nạn chặt phá rừng làm nương rẫy tăng cao, diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp. Tình trạng tranh chấp đất giữa các hộ di dân tự do và người dân địa phương, doanh nghiệp đã xảy ra. Các hộ di dân không đủ điều kiện nên chưa được cấp hộ khẩu, đăng ký tạm trú dẫn tới không được hưởng các chế độ, chính sách y tế, giáo dục, trợ cấp...
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng xâm canh, xâm cư, UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền, vận động đồng bào xâm canh, xâm cư tại khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo trở về địa phương. Huyện ủy và UBND huyện Mai Châu đã thành lập các tổ công tác phối hợp với Công an, Kiểm lâm và UBND xã Cun Pheo tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào xâm canh, xâm cư khu vực Suối Rằm, xóm Táu Nà, xã Cun Pheo.
Theo đó, huyện đã tổ chức 4 đợt ký cam kết các hộ xâm canh, xâm cư trở về địa phương (33/38 hộ đã ký cam kết nhưng chỉ có 15 hộ trở về địa phương). UBND tỉnh Sơn La, tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn công tác đến thực địa, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân trở về nơi ở cũ. UBND tỉnh Sơn La, Yên Bái cho biết đã có chủ trương, chính sách đón đồng bào dân tộc Mông thường du canh, du cư đến địa phương khác sinh sống, xâm canh, xâm cư trở về tỉnh để hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, ổn định cuộc sống sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đang xâm canh, xâm cư tại xóm Táu Nà, xã Cun Pheo đều chưa đồng thuận trở về địa phương mà còn có ý định lôi kéo thêm nhiều người Mông trong dòng tộc ở các tỉnh khác đến để cư trú lâu dài, lập làng mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đăng Ninh cho biết: Tỉnh đang chỉ đạo các ngành liên quan rà soát lại dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Mai Bình, làm rõ diện tích, nguồn vốn và năng lực của nhà đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ để dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hạn chế tình trạng người dân tự ý vào khu vực đất dự án canh tác.
Đồng thời, tỉnh khẩn trương báo cáo với Trung ương và làm việc với hai tỉnh Sơn La, Yên Bái để phối hợp tuyên truyền, vận động các hộ dân người Mông trở về địa phương. Đối với các hộ dân thuộc xã Hang Kia, UBND huyện Mai Châu, các cấp, ngành làm việc với cấp ủy xã Hang Kia, chính quyền thôn, xóm vận động nhân dân trở về địa phương.
Đối với những hộ đã sinh sống nhiều đời ở khu vực này, huyện tìm giải pháp hỗ trợ để họ tái định cư tại địa bàn phù hợp, tập trung. Đặc biệt, huyện quan tâm đảm bảo an ninh trật tự khu vực Suối Rằm, xử lý nghiêm các trường hợp lôi kéo, kích động nhân dân di dân tự do; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát kịp thời xử lý đất đai, tài sản và nạn phá rừng.