Đây là lễ hội cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình làm Trưởng Ban tổ chức.
Trong khuôn khổ Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ diễn ra hội thảo “Dừa sáp Trà Vinh - 100 năm hình thành và phát triển”; trưng bày các loại trái cây ngon của địa phương; hội thi chế biến 100 món ngon từ dừa sáp; tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”.
Tại lễ khai mạc Tuần lễ Vu lan Thắng hội ngày 27/8, Ban Tổ chức công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch công nhận lễ hội Vu lan Thắng hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội chợ thương mại, không gian ẩm thực, liên hoan lân sư rồng, trưng bày hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, giới thiệu các hoạt động tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa ở địa phương.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… tại Tuần lễ này để phục vụ người dân địa phương và du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản của tỉnh, đưa thương hiệu Dừa sáp Trà Vinh vươn xa. Sự kiện còn tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung. Đồng thời, sự kiện gắn với Tuần lễ Vu lan Thắng hội là cơ hội để tỉnh giới thiệu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa, qua đó bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn.
Qua 100 năm kể từ khi cây dừa sáp đầu tiên của Việt Nam “bén duyên” ở vùng đất Cầu Kè, đến nay địa phương này đã có hơn 171.400 cây, được trồng trên diện tích 1.145 ha, với sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%.