Kịp thời hỗ trợ nông dân
Trước thực trạng người trồng tiêu đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do hồ tiêu chết hàng loạt, cùng với giá cả xuống thấp, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đang triển nhiều giải pháp hỗ trợ như hướng dẫn chăm sóc vườn cây, tiêu hủy vườn tiêu bị chết, chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp, khoanh nợ... nhằm ổn định sản xuất, đời sống cho người nông dân.
Theo ông K'păh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, do dịch bệnh, thời tiết nên vài năm trở lại đây toàn tỉnh Gia Lai có hơn 5.500ha hồ tiêu bị chết gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, đời sống của người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân thu gom, vệ sinh vườn tiêu, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết; chuyển đổi những diện tích đất này sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương.
Tỉnh cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai làm việc với các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho những hộ vay trồng tiêu mà gặp rủi ro.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường quản lý về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không để giống hồ tiêu kém chất lượng, nhiễm bệnh, vật tư kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP…
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các chính quyền địa phương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, từ đó nắm bắt tình hình và bản giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cây hồ tiêu bị chết. Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ mà người dân trên địa bàn tỉnh vay trồng và chăm sóc hồ tiêu là trên 4.000 tỷ đồng, với hơn 26.000 hộ vay trong đó, 2.200 tỷ là khoản vay nợ xấu.
“Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới gần 450 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 80 tỷ đồng, điều chỉnh lãi suất cho vay hơn 41 tỷ đồng, cho vay mới hơn 120 tỷ đồng.
Đây là những động thái tích cực tạo điều kiện thuận lợi nhất để người trồng tiêu vượt qua khó khăn, tiếp tục tái sản xuất để ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết.
Tại Đắk Lắk ngay từ khi những vùng đó xảy ra hiện tượng hồ tiêu nhiễm bệnh, chết hàng loạt, ngành nông nghiệp đã cử các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương hướng dẫn người dân điều trị để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển bình thường.
Đối với những vùng thấy không thể cứu vãn thì vận động bà con nghiên cứu chuyển sang trồng các cây khác phù hợp như cây ăn trái, cây cà phê. Tiếp thục tham mưu cho UBND ban hành những chính sách hỗ trợ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có cây hồ tiêu. Hỗ trợ cho doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho nông dân.
“Tại nhiều vùng hồ tiêu bị chết, các nông hộ đã chủ động chuyển đổi sang các cây trồng khác như trồng xả Java, Sachi, trồng dâu tằm, hoặc trồng xen cà phê, cây ăn trái…để đảm bảo nguồn thu nhập trước mắt cho bà con nhân nông dân, duy trì đời sống sản xuất hiện tại trên địa bàn”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết.
Những giải pháp căn cơ
Sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cơ quan chức năng đã góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống của các nông hộ trồng hồ tiêu trong bối cảnh dịch bệnh, giá cả xuống thấp.
Tuy nhiên để phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu về lâu dài cần phải thực hiện tổng thể các giải pháp; trong đó, việc quy hoạch lại vùng sản xuất việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, duy trì lợi thế cạnh tranh của ngành hồ tiêu.
Theo các nhà khoa học, nhà quản lý thì trước hết các tỉnh Tây Nguyên, nhất là các tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai phải ổn định và quản lý diện tích quy hoạch hồ tiêu cho tốt.
Tiến sỹ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho rằng, đây là dịp để điều chỉnh lại diện tích hồ tiêu. Diện tích nào bị bệnh chết thường thì không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, giống không tốt, đất đai không phù hợp, nước không đủ thì phải tiến hành chuyển đổi sang loại cây trồng khác cho phù hợp hơn.
Để phát triển ngành hồ tiêu bền vững thì có lẽ người nông dân tự điều chỉnh quy hoạch của mình là cách tốt nhất. Bởi khi giá hồ tiêu cao thì người ta sẽ mở rộng diện tích, ngược lại khi giá thấp người ta sẽ điều chỉnh lại và tự chuyển đổi sang cây trồng khác.
Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ định hướng cho họ nếu không trồng cây hồ tiêu thì nên trồng cây gì và mỗi tỉnh nên xác định việc phát triển, duy trì diện tích hồ tiêu bao nhiêu là vừa.
“Trong thời gian tới các ngành chức năng phải quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt. Hiện nay, diện tích hồ tiêu của cả nước là khoảng 150.000ha, các nhà quản lý điều chỉnh xuống khoảng 100.000 ha là phù hợp và nên truyền thông để người nông dân được biết”, ông Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững nhà nước cần phải có các cơ chế, chính sách, đặc biệt là về mặt thị trường.
Theo tiến sỹ Trương Hồng sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung, trong đó có cây hồ tiêu thì giá cả chắc chắn sẽ biến động theo thị trường thế giới. Mặc dù hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, chiếm gần 60% thị phần thế giới nhưng chúng ta không kiểm soát được.
Chính vì vậy, chúng ta phải sản xuất hồ tiêu trong bất kỳ tình huống nào cũng mang lại hiệu quả. Để làm được điều đó, bà con cần áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất như chọn giống tốt, sạch bệnh, chăm sóc mức độ vừa phải, bón phân hữu cơ, phân vô cơ cân đối; áp dụng IPM trong sản xuất sẽ giúp cho vườn hồ tiêu bền vững hơn. Như vậy, người trồng hồ tiêu vẫn có thể có lãi mặc dù giá xuống thấp như hiện nay.
Một giải pháp nữa là phải tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người nông dân bền vững, chặt chẽ hơn. Hiện nay đã có sự liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa thực sự chặt chẽ. Khi liên kết được thì doanh nghiệp chính là người tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bán bao nhiêu, bán cho ai. Điều này sẽ điều chỉnh lại quá trình sản xuất của người nông dân và cung cấp thông tin cho các nhà quản lý để từ đó điều chỉnh lại quy hoạch.
Việc định hướng sản xuất tiêu theo hướng thâm canh, sạch, bền vững và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP đã được ngành chức năng tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều năm nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiêu sạch, tiêu bền vững, đảm bảo chứng nhận VietGAP và GlobalGAP. Tiêu biểu như tại các xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp; Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). So với hồ tiêu trồng đại trà thì giá tiêu sạch luôn được bao tiêu ở mức cao hơn, nhiều nơi cá biệt cao hơn từ 2 - 3 lần. Nông dân cũng an tâm hơn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Ông Vũ Thanh Hòa, Giám đốc HTX hồ tiêu Thành Tâm, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cho biết các thành viên đều có cam kết là sản xuất tiêu bền vững, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoặc các chế phẩm trong danh mục cấm. Sau một thời gian tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, cam kết, đối tác của HTX đã ghi nhận và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm hồ tiêu với nhiều hộ thành viên.
Đến nay, HTX hồ tiêu Thành Tâm có 30 thành viên tham gia sản xuất hồ tiêu “sạch” đã tham gia ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu hồ tiêu lớn với mức giá gần 100.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá hiện tại trên thị trường.
Theo ông Trương Đức Thắng, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp Công nghệ cao (SAM Agritech), điều quan trọng nhất hiện nay là định hướng sản xuất cho người nông dân theo hướng sản phẩm an toàn và đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước.
Thực tế hiện nay, hầu hết sản phầm hồ tiêu của Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung được xuất ra nước ngoài. Dù hiện nay nông dân Đắk Nông đang gặp rất nhiều khó khăn với hồ tiêu, nhưng đây vẫn là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển loại cây trồng này, bởi các vấn đề thuận lợi về địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng, cũng như kinh nghiệm của nông dân.
Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, để vực lại ngành sản xuất hồ tiêu, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất là quản lý tốt quy hoạch; tạo điều kiện để nông dân tiếp cận, thực hành các quy trình sản xuất được chuẩn hóa từ khâu xử lý đất, chọn giống, chăm sóc, thu hái theo quy chuẩn thực hành nông nghiệp sạch; thứ hai là khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng quá trình chế biến sản phẩm tiêu thành phẩm bán ra thị trường; cuối cùng là đẩy mạnh khâu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hồ tiêu.