Vỡ quy hoạch
Tây Nguyên có diện tích canh tác hồ tiêu lớn nhất nước, ước tính gần 100.000 ha; trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện lớn nhất với hơn 38.600 ha, kế đến là Đắk Nông hơn 36.000 ha, Gia Lai hơn 16.000 ha... Ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đến nay diện tích hồ tiêu đều vượt xa so với quy hoạch và định hướng chung của ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk cho biết, cách đây khoảng 5 năm, giá cả hồ tiêu tăng cao khoảng trên 200.000 đồng/kg nên diện tích tiêu phát triển nóng ở nhiều nơi kể cả về trồng tập trung lẫn trồng xen trong vườn cây cà phê.
Thống kê đến năm 2018, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước với hơn 38.000 ha, sản lượng hơn 60.000 tấn; chiếm hơn 25% về diện tích và hơn 30% về sản lượng tiêu của cả nước. Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2018, diện tích hồ tiêu ở Đắk Lắk đã tăng thêm hơn 17.200ha.
Trong thời gian qua các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển cây tiêu chủ yếu chạy theo giá cả thị trường nên dẫn đến tăng trưởng "nóng". So với định hướng quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến 2020 đạt 17.800 ha, sản lượng 43.700 tấn và đến năm 2030 diện tích tiêu toàn tỉnh đạt 19.000 ha, sản lượng đạt 48.200 tấn thì hiện nay diện tích hồ tiêu đã tăng gấp đôi, làm phá vỡ quy hoạch cây trồng chung của tỉnh, ông Dương cho biết.
So với các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông là địa phương phát triển hồ tiêu muộn hơn và có diện tích tập trung với sản lượng lớn hơn. Diện tích hồ tiêu tại Đắk Nông liên tục tăng mạnh trong các năm qua và có thời điểm dẫn đầu cả Tây Nguyên.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hồ tiêu hiện nay vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh. Diện tích, sản lượng hồ tiêu tăng liên tục trong các năm gần đây. Năm 2014, diện tích hồ tiêu trên địa bàn chỉ gần 14.000ha thì đến năm 2018 đã tăng lên hơn 36.000ha, tức hơn 2,5 lần. Sản lượng ước đạt gần 46.000 tấn. Con số 36.000 ha hồ tiêu tại Đắk Nông đã vượt xa quy hoạch của tỉnh.
Nhiều vạt đất bazan được thực bì rừng nguyên sinh tích tụ làm cho màu mỡ cả ngàn năm nay đang bị biến thành đất trồng tiêu. Nhiều khu vực, nhất là tại các huyện Đắk Song, Tuy Đức, việc trồng tiêu được nhiều nông dân ví là dễ như trồng… khoai lang.
Nhiều hộ dân chỉ cần lấn chiếm đất rừng, lấy chính cây rừng làm cọc tiêu và “giâm” vào đó vài nhánh tiêu giống, các vấn đề phân bón, nước tưới hầu như không cần phải bận tâm. Không dừng lại ở đó, lợi nhuận hấp dẫn từ hồ tiêu đã khiến nhiều nông dân đã trồng tiêu ở cả những khu vực không phù hợp về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Kết quả là tình trạng khô hạn, dịch bệnh tràn lan tại nhiều khu vực.
Tại tỉnh Gia Lai sau khi trừ khoảng 5.500 ha hồ tiêu bị chết, diện tích còn lại đang canh tác khoảng 12.000 ha cũng vượt gấp 2 lần quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. “Do đó, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề và định hướng phát triển hồ tiêu theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững”, ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết.
Để lại nhiều hệ lụy
Theo ông Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc phát triển nóng cây hồ tiêu ở Tây Nguyên không chỉ làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của các địa phương mà đã xảy ra rất nhiều hệ lụy. Trước hết, khi mở rộng diện tích hồ tiêu có một phần nào đó người dân phát rừng để lấy đất canh tác nên đã làm giảm diện tích rừng dẫn đến biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng khốc liệt.
Bên cạnh đó, khi hồ tiêu có giá nông dân mở rộng diện tích ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học trồng trên cả những diện tích không phù hợp dẫn đến sinh trưởng và phát triển cây hồ tiêu kém nên hiệu quả kinh tế không cao, không đem lại thu nhập cho người nông dân.
Ông Nguyễn Hoài Dương còn cho biết, ngoài việc chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồ tiêu bà con còn trồng ngay cả những vùng về khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp cho việc phát triển cây hồ tiêu.
Đây là việc ngành nông nghiệp thấy rõ và đã tuyên truyền, vận động bà con không nên trồng ở những nơi không phù hợp. Tuy nhiên, người dân vẫn phớt lờ khuyến cáo đó và họ vẫn là người quyết định trồng gì trên mảnh đất của họ. Mùa mưa vừa qua, hàng nghìn hecta hồ tiêu tại Ea H’leo, Ea Kar, Ma Đrăk bị chết do ngập úng, dịch bệnh là bài học cho người dân và cả chính quyền trong việc khuyến cáo.
Một vấn đề nữa là khi người nông dân mở rộng diện tích quá nhanh, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ hạn chế, đặc biệt là việc đưa giống không đảm bảo chất lượng vào sản xuất.
Cùng với đó, khi giá cao người dân sẽ thâm canh theo kiểu tận thu vườn cây như sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ sẽ dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất, nước, đặc biệt là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm hồ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng hồ tiêu nói chung của Việt Nam.
Theo ông Trương Hồng, hiện nay chính quyền các tỉnh Tây Nguyên không chỉ không quản lý được diện tích mà ngay cả cây giống cũng không quản lý được. Các cơ sở sản xuất, bán cây giống mở tràn lan, cung cấp đủ loại cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có một đề tài cụ thể nào nghiên cứu sâu về cây tiêu, cơ chế nhiễm bệnh và cách phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây trồng này. Cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn mà giống hiện tại cũng chỉ được tuyển lựa qua quá trình canh tác của các địa phương nên xuất hiện hàng chục loại giống lai tạp khác nhau, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng hạt, cũng như khó kiểm soát được dịch bệnh hoành hành.
Một hệ lụy khác của việc phát triển quá nóng cây hồ tiêu làm cung vượt cầu sản phẩm hồ tiêu cả trong nước và thế giới dẫn đến giá hồ tiêu giảm rất sâu trong vài năm trở lại đây. Giá tiêu cuối năm 2018, đầu năm 2019 có thời điểm chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg, tức chỉ bằng 1/5 so với 5 năm trước.
Với giá tiêu xuống thấp như hiện nay, các nông hộ trồng tiêu không thể bù đắp lại chi phí sản xuất, việc đầu tư vào cây hồ tiêu chắc chắn sẽ lỗ. Bởi để đầu tư 1ha hồ tiêu bài bản, bà con cũng phải chi từ 300 - 500 triệu đồng.
Bài cuối: Vực lại ngành hồ tiêu