Cuộc sống mới ở khu tái định cư làng Dơ Nâu

Hầu hết người dân di cư ngoài kế hoạch đến Tây Nguyên sinh sống đều đã được chính quyền địa phương bố trí tái định cư sau thời gian sống rải rác. Khu tái định cư làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) là một điển hình. Hiện nay, người dân khu tái định cư làng Dơ Nâu đã có nhà cửa khang trang, đời sống dần đi vào ổn định.

Chú thích ảnh
Đường vào Khu tái định cư Dơ Nâu được nhựa hóa. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Cuối năm 2021, sau khi tập trung các hộ dân từ miền Bắc vào huyện Mang Yang sinh sống nhiều năm trước, chính quyền địa phương lên phương án di dời họ đến khu tái định cư làng Dơ Nâu, hỗ trợ đất đai cũng như kinh phí xây dựng nhà, cơ sở vật chất (hệ thống điện, nước sinh hoạt và đường sá)... 

Ông Tô Văn Dào (sinh năm 1963, dân tộc Nùng, quê tỉnh Lạng Sơn) cho biết, năm 2013, ông đưa vợ con vào Tây Nguyên lập nghiệp, không đủ tiền mua đất xây nhà nên cả gia đình phải ở nhà tạm trong rẫy cà phê. Đến năm 2021, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để di chuyển nhà từ nơi ở cũ về khu tái định cư làng Dơ Nâu. Những hộ dân trong diện tái định cư tại làng Dơ Nâu được cấp hơn 400 m2 đất ở để làm nhà. 

Theo ông Dào, cuộc sống của bà con ở đây tốt hơn trước nhiều. Trẻ em được đi học, người dân đến cơ sở y tế khám bệnh chỉ cách nhà hơn 1 km. Các điều kiện sinh hoạt đều thuận lợi. Nhân dân làng Dơ Nâu cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ để bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Chú thích ảnh
Ông Tô Văn Dào chia sẻ với về niềm vui khi về nơi ở mới. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Tên làng Dơ Nâu đã có trước đây với hầu hết người Bahnar sinh sống qua nhiều thế hệ. Khi Nhà nước có chủ trương lập khu tái định cư, người Bahnar sẵn sàng nhường đất để Nhà nước cấp cho các hộ dân tộc như, Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp. 

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, địa phương xây dựng đề án khu tái định cư với các hạng mục cơ bản như, đường giao thông, hệ thống cấp nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao với diện tích hơn 8 ha, tổng kinh phí thực hiện 11,23 tỷ đồng. 

Qua công tác tuyên truyền, vận động, có 104 hộ dân tham gia đề án. Khi các hộ dân chuyển ra khu tái định cư, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ kinh phí di dời nhà và cấp hơn 400 m2 đất ở cho người dân.

Chú thích ảnh
Người dân làng Dơ Nâu tại xã Kon Thụp (Mang Yang, Gia Lai) tăng gia sản xuất. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Ông Lương Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp cho biết, hiện khu tái định cư làng Dơ Nâu đang có các dân tộc Bahnar, Tày, Nùng, Thái sinh sống chan hòa, đoàn kết, cùng vươn lên trong cuộc sống. Các hộ dân đã có nhà xây kiên cố, nhiều gia đình xây được nhà, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Chính quyền địa phương chủ động liên hệ, kết nối với các đơn vị trên địa bàn như, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai để tạo việc làm cho bà con.

Hiện, khu tái định cư làng Dơ Nâu còn 2 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo. Để giúp bà con có vốn đầu tư sản xuất, chính quyền địa phương hỗ trợ vay tín chấp tại Ngân hàng Chính sách huyện cho 59 hộ dân, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ kịp thời giúp các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. 

Chú thích ảnh
Đưa điện về với khu tái định cư làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát

Sau gần 3 năm người dân về tái định cư, làng Dơ Nâu hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới xanh hơn, khang trang và ấm áp hơn. Các dân tộc đoàn kết, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Hồng Điệp (TTXVN)
Bình Định: Người dân khu vực sạt lở sông Kôn mong sớm được bố trí tái định cư  
Bình Định: Người dân khu vực sạt lở sông Kôn mong sớm được bố trí tái định cư  

Tình trạng sạt lở bờ sông Kôn, đoạn qua khu phố Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn (Bình Định) ngày càng diễn ra nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN