Bản làng giờ đây không chỉ khang trang mà còn thể hiện sự ấm no, đánh dấu hành trình vượt khó thành công của một trong những cộng đồng dân tộc rất ít người nơi miền biên viễn Tây Bắc.
Khởi sắc nhờ thay đổi tư duy làm kinh tế
Gia đình ông Lò Văn Liên là một trong những hộ tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Cống ở bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) về tư duy làm kinh tế. Năm 2016, khi tỉnh Điện Biên triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số ít người, cung cấp cây giống và phân bón cho bà con, không ít hộ dân đã mang bán với giá rẻ nhưng ông Liên lại lựa chọn khác. Ông giữ lại toàn bộ cây giống và phân bón quyết tâm làm theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện. Sau nhiều ngày tháng chăm chỉ, những "trái ngọt" từ mảnh vườn của gia đình ông bắt đầu trổ bông, trở thành minh chứng cho giá trị của sự kiên trì và tầm nhìn dài hạn.
Nguyên là Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Pa Thơm, ông Lò Văn Liên luôn trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao đời sống kinh tế cho bà con trong xã. Không chỉ bằng lời nói, ông là tấm gương đi đầu trong việc học hỏi và áp dụng các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng chuồng trại. Chính sự gương mẫu ấy đã truyền cảm hứng cho cả bản làng. Với gia đình, ông luôn nhắc nhở các con không bao giờ được khuất phục trước cái đói, cái nghèo, mà phải biết nỗ lực vượt lên, làm chủ cuộc sống.
Ông Lò Văn Liên cho biết, khi Nhà nước hỗ trợ phân bón, ông mang bón cho ruộng đồng theo sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Nhìn thấy ruộng gia đình ông cho năng suất cao hơn hẳn các hộ khác, bà con trong bản mới nhận ra cũng giống lúa ấy nhưng bón phân đúng kỹ thuật mang lại năng suất cao hơn rất nhiều. Từ đó các hộ dân trong bản cũng học theo gia đình ông để làm nông nghiệp và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Học tập gia đình ông Lò Văn Liên, nhiều hộ người Cống ở bản Púng Bon đã bắt đầu thay đổi cách làm kinh tế. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện tích cực tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, vận động bà con áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, 100% gia đình người Cống trong bản đã từ bỏ thói quen chăn nuôi thả rông, thay vào đó là xây dựng chuồng trại kiên cố. Việc trồng rau, làm luống cũng được thực hiện theo đúng kỹ thuật, giúp tăng năng suất và chất lượng. Sự chuyển biến này không chỉ cải thiện kinh tế, mà còn thay đổi tư duy sản xuất của bà con, giúp bà con thêm ý chí, nghị lực để vươn lên thoát nghèo.
Ông Quàng Văn Hiêng, người dân bản Pa Thơm cho biết, trước đây gia đình chăn nuôi gia súc chỉ thả rông, giờ đây các hộ dân trong bản đều thực hiện nuôi nhốt, được cán bộ xã hướng dẫn làm thức ăn trộn cho gia súc nên vật nuôi phát triển rất tốt. Từ đó, việc chăn nuôi của các hộ trong bản đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Nhờ các chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc Cống tại huyện Điện Biên đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Đến Púng Bon hôm nay là hình ảnh bản làng sầm uất với những ngôi nhà kiên cố. Hàng loạt công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống nước sinh hoạt được xây dựng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bà con. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào Cống huyện Điện Biên giảm mạnh, từ 90% vào năm 2016 xuống còn 43% vào năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Tiến Cường, từ năm 2016 đến nay, nhờ các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Cống tại xã Pa Thơm đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhận thức, trình độ sản xuất của đại đa số người dân được nâng lên rõ rệt, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trẻ em trong bản được đi học đầy đủ, người dân khi đau ốm đã tin tưởng đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, thay đổi hoàn toàn tư duy lạc hậu trước đây.
Cộng đồng chung tay xây dựng đời sống văn hóa
Ở bản Púng Bon, ông Quàng Văn Hiêng cũng là nghệ nhân lưu giữ và biểu diễn những điệu múa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cống. Những điệu múa thường xuất hiện trong các dịp quan trọng như Tết Hoa mào gà (Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống và cũng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), Lễ về nhà mới hay Lễ mừng cơm mới. Đó không chỉ là nghệ thuật mà còn là linh hồn văn hóa của cộng đồng.
Nhận thức sâu sắc về giá trị này, ông Hiêng đã nỗ lực truyền dạy cho thanh niên trong bản. Nhờ sự tận tâm của ông, nhiều thanh niên đã biết và yêu những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp bản Púng Bon không chỉ phát triển kinh tế mà còn xây dựng được nét đặc sắc trong văn hóa cộng đồng.
Đặc biệt, trong nhiều năm gần đây, cộng đồng dân tộc Cống ở bản Púng Bon không còn tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết. Đây là kết quả từ những nỗ lực không ngừng từ các chương trình tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình do chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể thực hiện. Phụ nữ trong bản ngày càng được tiếp cận thông tin, tham gia các buổi thảo luận; hiểu rõ hơn về tác hại nghiêm trọng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết đối với nòi giống, kinh tế, cũng như sức khỏe.
Chị Lò Thị Ón là một điển hình tiêu biểu trong công tác vận động chống tảo hôn tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm. Từng là nạn nhân của nạn tảo hôn, chị kết hôn khi mới 13 tuổi, phải đối mặt với những khó khăn, vất vả cả về tinh thần lẫn thể chất. Thấm thía nỗi đau ấy, chị Ón quyết tâm thay đổi tư duy, không để con cái mình đi vào vết xe đổ. Chị động viên các con học hành đến nơi đến chốn, kết hôn đúng tuổi và tự do lựa chọn người mình yêu thương. Nhờ sự kiên định của chị, một trong hai người con được đi du học ở Lào, hiện nay trở thành cán bộ xã với nhiều thành tích xuất sắc.
Tư duy tiến bộ của chị Lò Thị Ón cũng chính là động lực của hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Cống tại bản Púng Bon quyết tâm cho con em đi học đầy đủ, không để tình trạng kết hôn sớm tái diễn, với mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây chính là mục tiêu cốt lõi mà các chương trình hỗ trợ và các đề án phát triển kinh tế - xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến.
Bà Vì Thị Xôm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) cho biết, những năm qua, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến từng thôn, bản về phòng chống các nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã cũng mở các lớp tập huấn về làm kinh tế cho chị em phụ nữ trong xã, giúp chị em xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ những gian khó, đồng bào dân tộc Cống đã từng bước vượt qua đói nghèo, từ bỏ tư duy lạc hậu, vươn mình xây dựng cuộc sống mới. Sự hỗ trợ của Nhà nước về điện, đường, trường trạm,… không chỉ mang lại điều kiện sống tốt hơn mà còn thắp sáng niềm tin vào tương lai cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, con em trong bản được học hành đầy đủ, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Điều đó thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ đúng đắn và ý chí tự lực, tự cường của cộng đồng nơi vùng biên giới.
Thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục vận động đồng bào dân tộc Cống phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, củng cố, lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp cho thế hệ sau và phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm thu hút người dân và khách du lịch đến địa phương.