Chủ động ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tại Tây Nguyên - Bài 2: Sẵn sàng 'ứng chiến'

Đứng trước nguy cơ bị dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trên diện rộng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát dịch.

Chú thích ảnh
Các cháu học sinh từ các tỉnh Tây Nguyên được thành phố Đà Lạt đón về khu cách lý Ký túc xá trường Cao đẳng Du lịch. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Sàng lọc ngay tại “cửa ngõ”

Tỉnh Đắk Nông là “cửa ngõ” để dòng người từ các tỉnh, thành phố phía Nam về Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Từ đầu tháng 10, lượng người từ vùng dịch bắt đầu di chuyển về Tây Nguyên.

Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tỉnh Đắk Nông đã tăng cường các lực lượng tại chốt kiểm soát Cai Chanh (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) giáp ranh với tỉnh Bình Phước để tiếp nhận công dân của tỉnh, tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại chỗ để phân loại từng nhóm đối tượng và bàn giao cho các địa phương thực hiện cách ly theo quy định.

Ngoài ra, tại chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông cũng phân nhóm công dân của các tỉnh, thành phố khác để tổ chức dùng xe dẫn đường đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông nhằm đảm bảo an toàn cho công dân và  hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát tán trong quá trình di chuyển, sinh hoạt của các đoàn.

Ngay khi các tỉnh, thành phố phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, đông đảo người lao động di chuyển về khu vực Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk đã chủ động bố trí lực lượng tiếp nhận và xét nghiệm sàng lọc tại xã Hòa Phú của thành phố Buôn Ma Thuột (giáp ranh với tỉnh Đắk Nông) nhằm kịp thời phát hiện và bóc tách các trường hợp mắc COVID-19 ngay tại “cửa ngõ” của tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Để đảm bảo công tác tiếp nhận công dân an toàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cử các Tổ ứng trực tại địa điểm tập trung để phối hợp với các lực lượng chức năng, tập hợp người dân của địa phương và đưa công dân trở về địa phương bằng xe khách và bố trí xe tải để chở phương tiện. Trong trường hợp  công dân đi xe máy trở về địa phương thì phải có lực lượng công an dẫn đường, kiểm tra, giám sát trong quá trình di chuyển để không nhận nhầm hoặc nhận thiếu công dân của địa phương mình.

Đắk Lắk cũng giao cho công an tỉnh chủ động liên hệ thường xuyên với công an các tỉnh để nắm bắt thông tin số lượng người dự kiến về tỉnh, qua địa bàn tỉnh, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động phân loại để giảm ùn tắc tại điểm tập trung công dân, phân công dẫn người dân các tỉnh khác thông chốt kiểm soát dịch COVID-19 để đến địa bàn tỉnh giáp ranh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch, để chủ động ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 từ dòng người hồi hương, tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền các địa phương trên cơ sở rà soát, phân loại những người đủ điều kiện có thể đưa về cách ly tại nhà, hướng dẫn quy trình, đưa họ về cách ly tại nhà và giao cho địa phương kiểm soát chặt chẽ. Cách ly đầy đủ, triệt để tại nhà được xem là biện pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với các biến chủng nguy hiểm, thời gian ủ bệnh lâu và tốc độ lây lan nhanh.

Tương tự, các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng cũng chủ động tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc công dân, bố trí cách ly theo quy định để hạn chế dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng. Rõ ràng, sự chủ động của chính quyền các địa phương góp phần phát hiện sớm nhiều F0 ngay từ “cửa ngõ”. Tuy nhiên, tự người dân cũng cần đề cao cảnh giác, tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch để cùng chung sức chặn đứng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.

Dựa vào dân để chống dịch

Tại tỉnh Kon Tum, để bảo vệ cộng đồng, nhiều người sau khi trở về từ vùng dịch và hoàn thành cách ly tập trung ở tuyến tỉnh thì vẫn tiếp tục thực hiện cách ly tập trung tại tuyến xã trong vòng 7 ngày để phòng dịch.

Sau khi đón 16 công dân từ tỉnh Bình Dương về quê, chính quyền xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong việc tổ chức cách ly “tăng cường” đối với người có nguy cơ cao. Cụ thể, 16 công dân sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung ở tỉnh đã kiến nghị với chính quyền địa phương được tiếp tục cách ly tập trung thêm 14 ngày tại xã nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng

Với đặc thù là đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, việc cách ly tại nhà rất khó đảm bảo đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch khi thiếu cơ sở vật chất, nhiều địa phương của tỉnh Kon Tum như huyện Ngọc Hồi, Kon Plông… đã linh động tận dụng các nhà cộng đồng, điểm trường… để cách ly những công dân không có điều kiện tự cách ly tại nhà. Trong thời gian này các công dân được cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu để phòng dịch. Đây là cách làm linh động, phù hợp với thực tiễn, do đó đã nhận được sự đồng thuận cao và chấp hành đầy đủ từ phía người dân.

Với trên 24.000 công dân từ vùng dịch trở về, tỉnh Đắk Lắk đã phân loại một phần nhỏ nhóm đối tượng nguy cơ cao để cách ly tập trung, phần lớn công dân tự cách ly tại nhà và được giám sát, hỗ trợ từ chính quyền các địa phương.

Bà Hoàng Thị Nhung (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, dia đình có ba người con là lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam vừa trở về. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, bà Nhung đã dành căn nhà cho ba người con, còn bà thì sang nhà hàng xóm ở nhờ. Mặc dù ba người con của bà đã được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 và có kết quả âm tính, song bà vẫn khuyên các con không ra ngoài, không tiếp xúc với ai để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) La Bế Thủy Trang, từ đầu tháng 10 đến nay, có trên 300 công dân của xã từ vùng dịch về và tự cách ly tại nhà. Đối với những gia đình không có điều kiện cách ly tại nhà thì địa phương đã huy động lực lượng giúp làm chòi trên rẫy, người thân tiếp tế lương thực, thực phẩm hằng ngày. Những trường hợp không có người thân thì địa phương giao trực tiếp cho Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng chăm lo.

Là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương ở Tây Nguyên luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xem đây là giải pháp tốt để nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đặc biệt được quan tâm. Đây là các “lá chắn” từ cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tỉnh Đắk Lắk có 4.765 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh Kon Tum đã thành lập trên 2.800 tổ.

Nhiệm vụ của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng là giám sát các trường hợp đến từ vùng có dịch, cách ly tại nhà, quan tâm đến họ ngay cả sau khi điều trị; tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch và cùng chính quyền cấp xã, ngành y tế truy vết, khoanh vùng các trường hợp F1 và F2… Thành viên của Tổ gồm có đại diện Chi bộ, Ban tự quản, Ban Công tác Mặt trận, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ liên gia của các thôn, buôn, tổ dân phố...

Có thể nói, ý thức chấp hành, phòng dịch “từ xa” của người dân là một trong những điều kiện tiên quyết để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Và điều quan trọng là chính quyền các địa phương, hệ thống y tế phải luôn trong tư thế thích ứng an toàn, linh hoạt khống chế dịch.

Bài cuối: Thích ứng an toàn, linh hoạt

Nhóm phóng viên TTXVN tại Tây Nguyên
Chủ động ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tại Tây Nguyên - Bài 1: Nguy cơ hiện hữu
Chủ động ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát tại Tây Nguyên - Bài 1: Nguy cơ hiện hữu

Từ cuối tháng 4 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát mạnh gây nên những hệ lụy rất nghiêm trọng đối với đất nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN