Tại buổi làm việc, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hỗ trợ tỉnh để xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông và di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ lũ; đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn.
Gia Lai là một tỉnh nghèo, nguồn ngân sách bố trí cho công tác phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế. Tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí cho địa phương để thực hiện một số công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đào tạo tập huấn và bổ sung trang thiết bị xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở; sớm ban hành hướng dẫn về tài chính cho Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; có chế độ đặc thù cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai.
Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã nêu những hướng triển khai, phổ biến công tác phòng chống thiên tai trong trường học giúp học sinh tiếp cận thông tin, trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng báo cáo tình hình diễn tập phòng chống cháy rừng mùa khô hạn, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời với thiên tai xảy ra trên địa bàn; hỗ trợ người dân sau khi thiên tai xảy ra.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Gia Lai trong việc phát triển kinh tế chung của địa phương. Theo Thứ trưởng, việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai là rất quan trọng, vì sẽ phòng được thiệt hại, bảo vệ tính mạng người dân, bảo quản kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua đó, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Gia Lai tăng cường chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn từ cấp tỉnh xuống cơ sở; tăng cường kiểm tra vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn hồ đập. Tỉnh cần tổ chức diễn tập công tác phòng chống thiên tai theo từng quy mô, mức độ để tăng cường kỹ năng thực hành trong cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Gia Lai cần thực hiện đầy đủ phương châm 4 tại chỗ; trồng rừng tạo độ che phủ để bảo vệ nguồn nước; bảo vệ môi trường hạn chế thiên tai; sớm hoàn thành bản đồ phòng chống thiên tai và hoàn thiện các quy chế chi tiêu của quỹ phòng chống thiên tai tỉnh.
Năm 2019, ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra tại tỉnh Gia Lai là khoảng 500 tỷ đồng. Thiên tai làm 4 người chết, hơn 22.000 ha cây trồng các loại bị khô hạn, hơn 330 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái. Để khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh đã hỗ trợ 27 tỷ đồng cho diện tích cây trồng bị thiệt hại năm 2019; hỗ trợ 20 tỷ đồng khắc phục các công trình giao thông bị hư hỏng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Gia Lai đã thiệt hại khoảng 188 tỷ đồng do thiên tai. Giông lốc làm 2 người bị thương, hư hỏng hơn 700 căn nhà. Hạn hán khiến hơn 8.000 ha bị thiệt hại...