Cảm hóa bằng niềm tin để người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc - Bài 2: Tự nguyện bỏ tà đạo, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tà đạo bà Cô Dợ đang xâm nhập vào nước ta ở khu vực đồng bào dân tộc Mông vùng sâu, vùng xa. Tà đạo này lôi kéo người dân thực hiện mục đích chính trị, kích động và hướng tới thành lập nhà nước của người Mông. Chính quyền các cấp, lực lượng chức năng đã bám địa bàn, gần gũi và lắng nghe ý kiến của người dân, tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản không đi theo đạo bà Cô Dợ, chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Mưa dầm thấm lâu

Chú thích ảnh
Toàn cảnh trung tâm xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Lai Châu: Đạo bà Cô Dợ còn gọi là Hội Thánh Đức Chúa trời yêu thương chúng ta do Vừ Thị Dợ (người Mông, sinh sống ở thành phố Milvvaukee, bang Wilcosin nước Mỹ) thành lập và làm Hội trưởng từ cuối năm 2016. Sau đó, tà đạo này được truyền sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đạo bà Cô Dợ không có hiến chương, điều lệ rõ ràng. Ngoài việc truyền đạo, đạo bà Cô Dợ còn xuyên tạc, lôi kéo người dân thực hiện mục đích chính trị, thành lập nhà nước của người Mông.

Trong quá trình giảng dạy kinh thánh, các đối tượng sử dụng bài hát về Chúa đã được cải biên trên nền nhạc trẻ. Nội dung chủ yếu tuyên truyền mê tín dị đoan, xuyên tạc kinh thánh, đả kích các tôn giáo chính thống, chê bai phong tục truyền thống của dân tộc, tuyên truyền về ngày tận thế và vua Mông ra đời.
       
Tại tỉnh Lai Châu, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: lợi dụng niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, các đối tượng cầm đầu đạo bà Cô Dợ đã tuyên truyền, lôi kéo người dân theo đạo này. Tính đến trung tuần tháng 10/2022, toàn tỉnh có 57 hộ với 391 người Mông theo tà đạo bà Cô Dợ và sinh hoạt tập trung tại 6 điểm nhóm gồm: các xã Trung Chải, Hua Bum thuộc huyện Nậm Nhùn (một điểm với 12 hộ, 92 người); các xã Tả Ngảo, Hồng Thu, Lùng Thàng thuộc huyện Sìn Hồ (một điểm với 5 hộ, 46 người); xã Tà Tổng thuộc huyện Mường Tè (3 điểm với 31 hộ, 194 người).

Tại xã Tà Tổng của huyện Mường Tè, tình hình bà con theo tà đạo bà Cô Dợ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất an ninh trật tự địa bàn. Ông Lỳ Phù Cà, Bí thư Đảng uỷ xã Tà Tổng thông tin: Tà đạo bà Cô Dợ xuất hiện ở xã Tà Tổng từ giữa năm 2017, đối tượng cầm đầu tuyên truyền theo đạo thì không làm cũng có cái ăn, không học cũng biết chữ, ốm đau không chữa trị cũng khỏi, vay ngân hàng được xoá nợ, người già được lột xác… cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đặc biệt, chúng còn hù dọa Trái Đất sẽ có ngày tận thế, ai tâm niệm Đức Mẹ thì linh hồn được cứu rỗi, nếu không sẽ bị đày xuống địa ngục chịu hình phạt, khiến nhiều người lo sợ, tin theo.

“Trước tình hình các hộ bị lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật là bà Cô Dợ, cấp ủy và chính quyền đưa ra mục tiêu trong năm 2022 xóa bỏ 50% số người dân bị lợi dụng theo đạo bà Cô Dợ để trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy. Mỗi cán bộ, các lực lượng vẫn kiên trì thường xuyên bám bản, giúp người dân phát triển kinh tế, vận động bà con không theo tà đạo. Nhiều cán bộ đã dành thời gian ăn và ở cùng bà con nhằm xây dựng lòng tin của nhân dân”, ông Lỳ Phù Cà chia sẻ.
        
Bước đầu một số đồng bào Mông đã hiểu việc đi theo tà đạo bà Cô Dợ là không đúng pháp luật, bởi đạo này chưa được Nhà nước cho phép. Từ đó, họ đã tự nguyện từ bỏ tà đạo quay trở lại với văn hóa truyền thống dân tộc Mông. Theo báo cáo của Đảng ủy xã Tà Tổng, từ đầu năm đến tháng 10/2022, chính quyền đã vận động được 2 hộ và 7 khẩu tự nguyện bỏ tà đạo bà Cô Dợ. Đạt được kết quả này là nhờ có những người cán bộ cần mẫn, chịu khó ăn ở với dân và xây dựng được lòng tin cho nhân dân.
        
Đại úy Lý Phùy Chóng, Trưởng Công an xã Tà Tổng chia sẻ, hơn 10 năm nhận nhiệm vụ tại xã, tôi mới thấu hiểu cuộc sống muôn vàn khó khăn của bà con. Lúc mới nhận nhiệm vụ, có nhiều bản chưa có đường sá đi lại, chưa có sóng điện thoại. Xã có trên 98% đồng bào Mông sinh sống, bà con chưa biết tiếng phổ thông nên rất khó tiếp chuyện. Sau thời gian dài học ngôn ngữ của địa phương, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, lúc đó bà con mới hiểu những cán bộ về tuyên truyền pháp luật cho bản là tốt. Đây là động lực để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể tuyên truyền bà con thường xuyên và quyết liệt.

Đi gần hai giờ đồng hồ từ Trung tâm xã Tà Tổng vào bản Pà Khà, chúng tôi tới thăm gia đình anh Và Nhè Chứ (43 tuổi, dân tộc Mông) - hộ vừa tự nguyện từ bỏ đạo bà Cô Dợ. Chia sẻ về việc theo đạo bà Cô Dợ, anh Và Nhè Chứ niềm nở nói: “Gia đình mình có 6 người đi theo đạo bà Cô Dợ từ năm 2017. Lúc đầu mới theo đạo bà Cô Dợ có hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn nhưng sau một thời gian cũng không thấy hỗ trợ nữa. Đạo bà Cô Dợ không cho đốt lửa vào thứ Bảy, Chủ nhật và cũng không giao công việc cụ thể, nếu ai tuyên truyền được thêm người theo thì càng tốt”.

Theo anh Và Nhè Chứ, được cán bộ tuyên truyền, động viên nên gia đình đã nhận thức được, bỏ đạo bà Cô Dợ và trở lại sinh hoạt đạo Tin lành. Ra khỏi đạo bà Cô Dợ, gia đình yên tâm tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Mỗi năm làm ruộng, chăn nuôi và buôn bán măng khô, mật ong, gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng.    

Tổ công tác rời nhà anh Và Nhè Chứ và đến nhà anh Vàng A Phành (27 tuổi, ở bản Pà Khà, xã Tà Tổng) để tuyên truyền, vận động gia đình bỏ đạo bà Cô Dợ và trở về sinh hoạt đạo Nhà nước cho phép. Anh Phành cho biết, tại bản Pà Khà có 14 hộ theo tà đạo bà Cô Dợ, nơi cầu nguyện chỉ có những chiếc ghế nhựa đi mua về thôi. Quyển kinh thánh không có, mà chỉ sử dụng kinh thánh chia sẻ qua mạng xã hội và trưởng nhóm giao cho từng người luân phiên đứng ra dạy.

Nhờ sự tuyên truyền, vận động thường xuyên của cán bộ, ngoài những hộ tự nguyện từ bỏ đạo bà Cô Dợ, nhiều hộ không theo tà đạo này cũng nâng cao nhận thức và giữ vững tư tưởng, niềm tin đối với đạo được Nhà nước cho phép.

Gia đình hòa thuận, êm ấm

Chú thích ảnh
Anh Mùa A Vàng, ở bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn yên tâm lao động sản xuất khi vợ và 3 con tự nguyện từ bỏ tà đạo bà Cô Dợ. Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN

Rời xã Tà Tổng, chúng tôi tới thăm gia đình anh Mùa A Vàng (32 tuổi, dân tộc Mông ở bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn) có vợ là chị Lò Thị Dung (30 tuổi) và 3 người con theo đạo bà Cô Dợ từ năm 2019. Vừa tất bật thu thóc ngoài ruộng về nhà, anh Vàng cho biết: Vợ theo đạo bà Cô Dợ, kiêng ăn trâu và bò chết mà chỉ được ăn thịt khi mình tự mổ. Anh thường thấy vợ cầu nguyện vào buổi tối trực tiếp qua zalo, facebook, còn ngày Chủ nhật sẽ cầu nguyện tại một nhà chủ nhóm đạo ở trong bản.

Theo anh Mùa A Vàng, lúc đầu, khi vợ tham gia đạo bà Cô Dợ anh không biết, sau đó, anh tìm hiểu và khuyên nhủ vợ không tham gia. Cán bộ cũng thường xuyên tới nhà tuyên truyền khuyên vợ và con không tham gia vì tà đạo này chưa được Nhà nước cho phép.
     
“Mình hỏi cán bộ nếu vợ bỏ đạo bà Cô Dợ có phạt và bắt giam không? Cán bộ nói quay về là tốt cho gia đình và tốt cho anh em họ hàng, gìn giữ được truyền thống văn hoá dân tộc Mông. Mình thấy vợ bỏ đạo bà Cô Dợ tốt cho hai vợ chồng. Trước kia, vợ đi theo đạo bà Cô Dợ, hai vợ chồng mỗi người ăn một kiểu, sinh hoạt gia đình phức tạp và thường xuyên xảy ra cãi vã. Giờ vợ bỏ đạo bà Cô Dợ, mình vui mừng quá! Mình cảm ơn cán bộ đã tuyên truyền, vận động giúp vợ mình hiểu và quay về”, anh Vàng phấn khởi nói.
       
Đối với tà đạo bà Cô Dợ ở xã Hua Bum, hiện có một điểm ở bản Pa Mu với 12 hộ dân theo từ năm 2017. Ngay sau khi một số hộ dân theo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân không theo tà đạo bà Cô Dợ. Công an tỉnh Lai Châu và chính quyền huyện Nậm Nhùn đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác phối hợp với chính quyền xã để tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện bỏ đạo tà bà Cô Dợ.
        
Bà Pờ Mì Tú, Bí thư Đảng ủy xã Hua Bum cho biết: Để tiếp tục vận động 11 hộ dân còn lại, cấp ủy chính quyền phối hợp với tổ công tác tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, giải thích các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và không theo đạo bà Cô Dợ. Chính quyền xã yêu cầu người dân cam kết không sinh hoạt đạo bà Cô Dợ tập trung. Xã mong muốn cấp trên tiếp tục tăng cường lực lượng phối hợp với xã để cùng ăn, cùng ở với dân và giải thích cho dân hiểu, có như vậy mới xây dựng được niềm tin trong nhân dân. Dân đã tin thì nói dân mới nghe và làm theo.
     
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu, trước những hoạt động lôi kéo người dân trên địa bàn tỉnh theo tà đạo bà Cô Dợ, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác nắm bắt tình hình, phương thức hoạt động của tà đạo bà Cô Dợ; nắm chắc địa bàn bị ảnh hưởng, số lượng người tin theo, số người đứng đầu để kịp thời có biện pháp xử lý, giải quyết triệt để.

Mặt khác, chính quyền cơ sở thường xuyên tổ chức các buổi họp dân, họp bản để tuyên truyền, vận động, giải thích về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cho quần chúng nhân dân; vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về sinh hoạt tôn giáo, tham gia sinh hoạt tôn giáo thuần túy theo đúng quy định. Đặc biệt, cán bộ phải về tận nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền xấu, không theo các tà đạo, đạo lạ không có ở Việt Nam, chưa được Nhà nước công nhận. Từ đó, kịp thời ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền.

Bài cuối: Không để vùng khó lùi phía sau

Hoàng Thùy Oanh  (TTXVN)
Cảm hóa bằng niềm tin để người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc - Bài cuối: Không để vùng khó lùi phía sau
Cảm hóa bằng niềm tin để người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc - Bài cuối: Không để vùng khó lùi phía sau

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới có cuộc sống ấm no, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các địa phương đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đời sống ngày nâng cao. Từ đó, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN