Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết chủ đề “Cảm hóa bằng niềm tin để người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc”.
Bài 1: Đổi thay trên vùng đất khó Tà Tổng
Gần 3 năm trôi qua, người dân xã Tà Tổng, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) không thể quên được ngày bà con rồng rắn, khổ cực đi theo các đối tượng kích động vào rừng để lập “Nhà nước Mông”. Với sự chủ động, chính quyền và lực lượng chức năng đã nhanh chóng giải tán đám đông, xử lý những người cầm đầu trước pháp luật. Cảm hóa trở về, người dân được tuyên truyền, vận động nên đã nhận thức được việc bản thân mù quáng nghe người xấu xúi giục là vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, giờ đây bà con đã ổn định đời sống, tham gia tích cực xây dựng quê hương Tà Tổng.
Về nơi đã bình yên
Chúng tôi đi xe ô tô hơn 5 tiếng đồng hồ từ thành phố Lai Châu mới vào đến xã Tà Tổng. Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng Lỳ Phù Cà niềm nở đón tiếp và chia sẻ những đổi thay của xã Tà Tổng trong những năm gần đây.
Nhắc chuyện dân bản theo đối tượng xấu vào khu núi Ao Rồng lập “Nhà nước Mông” ngày 1/1/2020, Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng cho biết: Hơn 200 người dân trên địa bàn xã nhẹ dạ, nghe đối tượng xấu đang bị truy nã ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) sang lôi kéo đi theo họ lập vương quốc Mông, không làm cũng có ăn, đau ốm không chữa trị cũng tự khỏi… Chín đối tượng cầm đầu tổ chức lập “Nhà nước Mông” ở núi Ao Rồng đã bị bắt và truy tố. Người dân được chính quyền tuyên truyền, vận động trở về đã hiểu việc tụ tập đông người đòi lập “Nhà nước Mông” là trái với pháp luật và những lời hứa hẹn của người xấu không đúng sự thật. Hiện nay, người dân đã ổn định đời sống, tập trung làm ăn và chăm sóc con cái học hành.
Sau bữa cơm sáng vội vàng, chúng tôi đi xe máy cùng Tổ công tác của xã Tà Tổng xuống bản Giàng Ly Cha để nắm bắt tình hình và tuyên truyền bà con chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chỉ hơn 10 km, nhưng do đường đất sống trâu, dốc, trơn trượt nên phải đi gần 2 giờ đồng hồ. Công an viên Vàng A Lồng đợi sẵn tại bản và dẫn Tổ công tác tới hộ gia đình ông Mùa Nọ Lòng, dân tộc Mông (73 tuổi) có con trai, con dâu đang thụ án vì chủ chốt tham gia móc nối, lôi kéo đồng bào dân tộc thành lập “Nhà nước Mông”.
Nhớ lại sự kiện ngày 1/1/2020, người dân bị đối tượng xấu lôi kéo theo họ lập "Nhà nước Mông", ông Mùa Nọ Lòng cho biết: Bà con chúng tôi nghe kẻ xấu xúi giục đi theo họ sẽ được sung sướng nên bỏ nhà, mang xoong nồi, gạo rồng rắn vào khu vực núi Ao Rồng. Vào trong đó không có chỗ ăn nghỉ, phải trải bạt nằm ngủ rất khổ. Tôi thấy họ tiến hành thành lập ban bệ như một nhà nước và dựng nhà bạt, treo cờ riêng, cử người canh gác. Sau hai ngày, chính quyền, lực lượng chức năng đã giải tán đám đông, bà con được trở về lại nhà.
“Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ, cho đất đai để từng hộ gia đình làm ăn, nhưng do bà con cả tin nên bị lôi kéo làm sai pháp luật. Giờ người xấu tuyên truyền thì dân bản không nghe nữa, mà tập trung làm ăn phát triển kinh tế”, ông Mùa Nọ Lòng chia sẻ.
Tổ công tác đến nhà anh Sùng A Ly (27 tuổi) là người vào núi Ao Rồng lập “Nhà nước Mông”. Anh Ly chia sẻ: Được cán bộ cho về nhà và giảng giải đi theo đối tượng xấu lập “Nhà nước Mông” là vi phạm pháp luật thì mình hối hận lắm. Mình hiểu nghe theo người xấu xúi giục là không tốt, gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Bản thân sẽ chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo đảm an ninh trật tự khu dân cư và tố giác tội phạm.
Bí thư Chi bộ bản Giàng Ly Cha Sùng A Tủa cho biết, bản có 162 hộ, 903 khẩu là dân tộc Mông. Tham gia vào khu vực núi Ao Rồng lập “Nhà nước Mông” ở bản có hơn 100 hộ. Hiện nay, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền vận động và hỗ trợ người dân nên tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cơ bản ổn định, bà con tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Sùng A Tủa, 5 năm về trước, đời sống của bà con bản Giàng Ly Cha đói, tỷ lệ hộ nghèo hơn 90%, cả bản chỉ có khoảng chục hộ thoát nghèo. Người dân tái trồng cây thuốc phiện nhiều và hơn 100 người nghiện hút. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế và đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân phá bỏ cây thuốc phiện, cai nghiện ma tuý. Đến cuối năm nay, bản chỉ còn khoảng 20 người nghiện ma túy và không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Về thu nhập bình quân đầu người, 5 năm trước là 8 triệu đồng, đến nay tăng lên 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm còn 70%. Vừa qua, Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm 4 ngôi nhà mới và tu sửa 3 nhà cũ cho các hộ nghèo.
Rời bản Giàng Ly Cha để về trung tâm xã Tà Tổng, đi qua điểm trường mầm non xây dựng kiên cố và sạch sẽ, chúng tôi chứng kiến cảnh các cháu trong trang phục dân tộc Mông nô đùa vui vẻ. Thanh âm của núi rừng như lặng xuống, bão giông đã đi qua và giữ khoảng bình yên cho bản làng tươi sáng.
Xóa “điểm nóng”
Tà Tổng là một trong những xã vùng cao khó khăn của huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), có 1.288 hộ và 7.168 khẩu, với 98% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đời sống dân trí thấp, một số bộ phận nhân dân còn nặng về phong tục tập quán, hủ tục lạc hậu. Từ lâu Tà Tổng được biết đến là “điểm nóng” về tái trồng cây thuốc phiện và người nghiện ma túy, truyền đạo trái phép.
Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Phù Cà cho biết: Ngày đầu nhiệm kỳ năm 2020, Đảng uỷ, HĐND, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, quyết tâm xóa bỏ triệt để trồng cây thuốc phiện và người nghiện ma túy, truyền đạo trái phép, bằng cách chỉ đạo cán bộ xã phối hợp với bí thư chi bộ bản, trưởng bản, trưởng nhóm sinh hoạt tôn giáo để quản lý chặt chẽ cư dân, người ra vào địa bàn. Cán bộ thường xuyên xuống bản xa tuyên truyền người dân không tái trồng cây thuốc phiện, thực hiện đúng hương ước, quy ước của bản, cam kết không để người dân tái phạm.
“Mưa dầm, thấm lâu, với sự kiên trì, quyết liệt của tập thể lãnh đạo, cán bộ tận tuỵ, đến nay xã Tà Tổng có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện và tỷ lệ người nghiện không còn nhức nhối, có dấu hiệu giảm đáng kể, nhất là việc sinh hoạt tôn giáo cũng dần được ổn định”, Bí thư Đảng uỷ xã Tà Tổng chia sẻ.
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, điện, trường, trạm góp phần làm thay đổi phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống của người dân xã Tà Tổng được nâng lên. Nhiều mô hình cây, con giống mới được hình thành mang lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Theo báo cáo của UBND xã Tà Tổng, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn khoảng 36%, nhưng năm sau theo tiêu chí mới số hộ nghèo lại tăng lên 57% và dự kiến hết năm 2022 phấn đấu giảm khoảng 6%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, năm 2015 đạt 9 triệu đồng/người/năm, hiện nay đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Trước khi chúng tôi rời xã Tà Tổng, Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Phù Cà chia sẻ trăn trở của mình là địa bàn rất khó khăn, sát các xã biên giới nhưng không thuộc diện địa bàn biên giới nên không được hưởng các chế độ, chính sách như các xã biên giới lân cận. Vì vậy, thời gian qua trên địa bàn có nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế muốn xin chuyển công tác về nơi thuận lợi, hoặc bỏ việc. Nhà nước nên xem xét cho xã Tà Tổng được hưởng chế độ đặc thù như xã biên giới, để cán bộ yên tâm công tác, cống hiến cho vùng đất khó khăn Tà Tổng.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè Đao Văn Khánh bày tỏ niềm vui khi xã Tà Tổng từng là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, nay đã ổn định và phát triển. Ông Đao Văn Khánh cho biết: Chính quyền các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo tăng cường vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu tuyên truyền sai lệch với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sau khi được tuyên truyền, bà con đã chuyển đổi rõ nhận thức. Hiện tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Tà Tổng đã được kiểm soát tốt, nhân dân đã đặt niềm tin và thực hiện theo chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bài 2: Tự nguyện bỏ tà đạo, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc