"Biến" đất sỏi đá…
Đã bao năm, người dân Hbông đã gieo mầm nhiều loại cây trồng mong tìm hướng sinh kế hiệu quả. Tuy nhiên, tính chất đất đầy sỏi, đá khiến bao loại cây trồng như ngô, mì, tiêu, cà phê… không thể "sinh lời".
Chẳng để đất làm khó, nhiều hộ dân đã đưa cây mía về "thuần" những vùng đất lổm nhổm đá. Dù khi cây mía có mặt tại vùng đất này, không nhiều nông dân tại đây đủ mạnh dạn để đưa cây trồng này vào sản xuất.
Tiên phong trong việc đưa cây mía về vùng đất khó, gia đình anh Đinh Văn Tạ, trú tại xã Hbông, huyện Chư Sê đã nếm được vị ngọt của cây mía. Sau bao năm vật lộn với cây sắn, ngô… mỗi vụ mùa đi qua, gia đình anh chẳng thế khấm khá nổi. Thế nhưng, từ ngày bắt tay trồng cây mía, đời sống của gia đình anh đã bước sang trang mới. Đến nay gia đình người nông dân trẻ này đã có trên 40 ha mía.
Anh Đinh Văn Tạ chia sẻ: Trước kia người dân trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả không được như trồng mía. Vụ mía năm 2020-2021, trung bình 1 ha năng suất đạt 110 tấn, với giá mía như hiện tại, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha.
Cũng bén duyên với cây mía, ông Nay Vang, trú tại làng Ia Sa, xã Hbông cũng đã thoát khỏi cảnh đói nghèo. Với diện tích đất hơn 1,5 ha nhưng đầy sỏi đá, cây ngô đã không thể cho gia đình ông một cuộc sống khá giả. Năm 2017, ông được tiếp cận với chính sách hỗ trợ trồng mía của Công ty TNHH Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC Gia Lai), từ đó, cây mía đã biến vùng đất khó của gia đình ông thành mật ngọt.
Những năm trước đời sống gia đình rất khó khăn, nguồn thu nhập chính dựa vào 1,5ha ngô nhưng rất bấp bênh, năm nào thời tiết thuận lợi, giá cao lợi nhuận được hơn 9 triệu đồng, còn mất mùa chỉ được khoảng 2- 3 triệu. Hàng ngày vợ chồng ông phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học.
Năm 2017 tình cờ gặp cán bộ nông vụ của TTC Gia Lai tìm hiểu các chính sách đầu tư, bao tiêu cây mía, ông Nay Vang quyết định chuyển 1,5 ha ngô sang trồng mía. "Đến nay gia đình tôi đã thu hoạch được 3 vụ, mỗi vụ trừ chi phí lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng, gấp 5-6 lần so với cây ngô, đời sống gia đình ngày một nâng cao"" ông Nay Vang phấn khởi.
Sau 5 năm có mặt, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực tại xã Hbông với diện tích lên đến gần 1.000 ha. Và cây mía tỏ ra đặc biệt thích ứng với vùng đất khô cằn đầy sỏi đá này. Việc tìm ra được cây trồng phù hợp không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho người dân tại chỗ mà còn phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.
Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hbông, huyện Chư Sê cho biết: Hiệu quả đem lại cao nên xã cũng đã đề nghị huyện chuyển đổi cây trồng, và huyện cũng đã giao cho xã trong năm nay phải hoàn thành 1 nghìn ha mía trên địa bàn.
… thành mật ngọt
Xã Hbông là địa phương có diện tích đất rộng nhưng đất canh tác bị hạn chế bởi phần lớn là đá nên không nhiều loại cây có khả năng thích ứng. Ngô và sắn là 2 loại cây trồng chính nhưng năng suất thường rất thấp khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Cây mía có mặt đã làm thay đổi cơ bản đời sống kinh tế của người dân tại đây bằng những chính sách đầu tư cụ thể. Từ việc hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật đến hỗ trợ giống, máy móc cơ giới cho người dân trồng và chăm sóc mía.
Nhiều hộ dân, sau khi bén duyên được với cây mía đã có được tiền đề, từ đó, mạnh dạn mở rộng diện tích mía như gia đình anh Tạ, ông Nay Vang. Không chỉ thoát cảnh đói nghèo, nhiều hộ đã làm giàu được bằng cây mía.
"Hiệu quả kinh tế từ cây mía cao hơn những cây trồng khác, riêng niên vụ 2020-2021 tôi thuê 4 ha đất mở rộng diện tích trồng mía. Thời tiết năm nay thuận lợi, vụ thu hoạch này năng suất khoảng 130 tấn/ha, giá thu mua mía của TTC Gia Lai cao hơn năm trước, với tổng diện tích hiện có 5,5 ha mía, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng hơn 250 triệu đồng. Tết năm nay, gia đình sẽ đón một cái tết đầm ấm nhờ cây mía. Tôi tiếp tục thuê 3 ha nữa để mở rộng diện tích trồng mới”, ông Nay Vang chia sẻ.
Nhờ cây mía, nhiều hộ dân đã trở thành tỉ phú nơi vùng quê nghèo. Gia đình anh Đinh Văn Tạ là một tỷ phú điển hình. Với 40 ha mía như hiện tại, cùng với giá mía cao, vụ mùa năm nay anh "bỏ túi khoảng 2 tỷ đồng" sau khi đã trừ hết chi phí.
"Vụ mía năm tới, tôi thuê 10 ha để tiếp tục trồng cây mía”, anh Tạ cho biết.
Có thể thấy, việc tìm được cây trồng phù hợp với chất đất, cùng với sự hỗ trợ của nhà máy, chính quyền địa phương chính là bước ngoặt trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Ông Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hbông, huyện Chư Sê vui mừng: "Hiện tại, cây mía đã làm thay đổi cuộc sống bà con rất nhanh, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia trồng ngô, sắn đa số bà con đều phải vay nợ. Đến nay, sau khi thu hoạch mía bà con đã trả được hết nợ và còn dư 40-50 triệu đồng/ha".
Để người trồng mía luôn nếm được vị ngọt sau mỗi vụ mùa, những chính sách đầu tư, hỗ trợ của nhà máy cũng chính là động lực để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Từ đó, không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ còn vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, "làm khuôn mẫu" cho nhiều hộ dân khác học tập và làm theo, đặc biệt là các hộ dân người đồng bào dân tộc thiếu số.
Bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cho biết: Trong nhiều năm qua, nhà máy đã luôn đồng hành cùng người dân trong phát triển cây mía. Mô hình trồng mía này đã giúp bà con sống chung với điều kiện đất đai khó khăn và đưa năng suất mía Hbông đạt từ 85 tấn/ha trở lên. Với giá mía như hiện tại từ 1- 1,2 triệu đồng/tấn, người dân thực sự đã có lợi nhuận sau mỗi vụ mùa.