Bến Tre chủ động ứng phó với triều cường

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, ngành chức năng yêu cầu các địa phương, người dân chủ động ứng phó với các đợt triều cường, cùng với đó là nước mặn tăng nhanh có khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng thời gian tới.

Chú thích ảnh
Triều cường gây ngập ở đường Hùng Vương, thành phố Bến Tre. Ảnh tư liệu: Thu Hiền/TTXVN

Theo đó, để ứng phó với các đợt triều cường, các địa phương cần huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hỗ người dân xử lý, khắc phục vị trí bờ bao bị xói lở, không để nước tràn qua tiếp tục gây vỡ đê. Trong đó, chú trọng công tác hỗ trợ các hộ dân có nhà bị ngập hoặc nguy cơ bị ngập di dời, kê kích tài sản, dị chuyển vật nuôi... hạn chế thiệt hại; vận động, di dời dân trong khu vực nguy hiểm (nếu có) đến nơi an toàn. 

Các địa phương có biện pháp xử lý, gia cố tạm thời; thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn. 

Cùng với đó tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, kịp thời gia cố, tôn cao để ứng phó với triều cường; thông tin về diễn biến, tình hình triều cường, sạt lở đến người dân, khuyến cáo biện pháp đảm bảo an toàn. 

Các hộ dân chủ động ứng phó, có biện pháp bảo vệ vườn cây ao cá khi triều cường dâng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, trước đó, từ ngày 24/1 đến sáng 26/1/2023 (mùng 4 Tết) triều cường ở mức cao đã gây ngập, ảnh hưởng đến sản xuất, cơ sở hạ tầng tại một số khu vực. Một số nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre, triều cường vượt mức đỉnh triều lịch sử từ 6 - 8 cm. 

Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, mực nước cao nhất đo được tại các trạm đến 7 giờ ngày 25/1/2023 (đợt triều cường từ 20 - 26/1/2023), trên sông Hàm Luông tại trạm Mỹ Hóa (thành Phố Bến Tre) đạt mức 196 cm (cao hơn triều cường lịch sử 8 cm), trạm An Thuận đạt mức 197 cm (cao hơn triều cường lịch sử 3 cm); trên sông Cổ Chiên tại trạm Bến Trại đạt mức 204 cm (cao hơn triều cường lịch sử 6 cm)… Triều cường gây ngập hơn 44 ha diện tích hoa màu, vườn cây ăn trái, một số vùng nuôi trồng thủy sản, bờ kè bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho hay, triều cường vào đầu năm mới gây ngập toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường liên ấp bị ngập gây khó khăn trong di chuyển. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, triều cường thường xuất hiện vào ngày 30, mùng 1 âm lịch và ngày 17 - 18 âm lịch mỗi tháng. Tuy nhiên, đợt triều cường vừa qua xuất hiện vào ngày mùng 4 cho nên người dân trở tay không kịp do nước dâng bất ngờ, cùng với đó nước dâng cao hơn so với các năm trước hơn 10 cm. Trước những đợt triều cường có thể ảnh hưởng thời gian tới, hiện nay, ông Tâm triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ tôm càng xanh nuôi trong mương vườn.

"Triều cường dâng cao kéo theo nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến sản xuất của người dân trong đợt hạn mặn sắp tới", ông Nguyễn Văn Tâm lo lắng.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh ứng phó đợt triều cường lên cao dịp Tết
TP Hồ Chí Minh ứng phó đợt triều cường lên cao dịp Tết

Theo Bản tin triều cường khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ngày 25/1 của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng Giêng âm lịch và ở mức cao trong 24 giờ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN