Từ năm 1998, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cáp bách để bảo vệ và phát triển rừng, trên địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ), nay là tỉnh Điện Biên đã không khai thác rừng tự nhiên để bảo vệ rừng đầu nguồn. Tuy vậy, diện tích rừng ở đây chỉ thực sự được bảo vệ và phát triển bền vững, kể từ khi tỉnh triển khai sâu rộng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010-NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp đó là phát triển rừng kinh tế bằng các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, mắc ca… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đây là điều kiện cần thiết nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương.
Hình thành các mô hình đồng quản lý rừng
Ngoài việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để mở rộng diện tích rừng trồng mới, những năm gần đây tỉnh Điện Biên còn thực hiện mô hình đồng quản lý giữa chủ rừng nhà nước với các cộng đồng dân cư, giao khoán bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức phù hợp để phát huy hiệu quả, gắn với từng cơ sở, cộng đồng dân cư theo bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rừng đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã công bố kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến tận thôn, bản để người dân thực hiện. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy hiệu quả "3 trong 1", đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Trước năm 2000, mặc dù tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, như Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng… cùng với các dự án của các tổ chức quốc tế như DANNIDA… nhưng rừng tự nhiên của Điện Biên vẫn tiếp tục bị xâm hại nặng nề. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn vẫn thờ ơ với việc bảo vệ và phát triển rừng ngay trên địa bàn của họ, bởi những gì họ thu được từ nhận bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới rừng quá ít ỏi, không đảm bảo được đời sống tối thiểu của gia đình.
Nghị định số 99/2010-NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khơi dậy ý thức bảo vệ rừng trong các cộng đồng ở tỉnh Điện Biên, giúp họ xóa đói nghèo để vươn tới cuộc sống ấm no ngay chính quê hương của họ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Trần Văn Thượng cho biết: Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay gồm: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, các Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo (các Ban quản lý rừng).
Mô hình đồng quản lý được thực hiện thông qua hình thức giao khoán cho các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản ở vùng đệm đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng có hiệu quả. Đến nay, Điện Biên đã giao khoán cho hơn 4.000 nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân của 80 cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, với tổng diện tích rừng tự nhiên trên 39.000 ha.
Từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, đồng bào sinh sống ở vùng đệm của các khu rừng phòng hộ, đặc dụng được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 39 tỷ đồng, bao gồm tiền chi trả của năm 2018 và tiền công tạm ứng của các lâm phần thuộc Sông Đà năm 2019 là trên 14 tỷ đồng cho các hộ gia đình, cá nhân, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Qua số liệu thống kê của Ban điều hành Quỹ, tiền dịch vụ môi trường rừng đã nâng cao thu nhập cho hơn 53.000 hộ tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Đối với Lưu vực Sông Đà thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt hơn 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng với các hộ gia đình trong cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, trung bình mỗi hộ đạt hơn 90 triệu đồng/hộ/năm.
Trong các năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã tiến hành giám sát và đánh giá việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của các đối tượng nhận khoán. Kết quả cho thấy: Việc giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước (các Ban quản lý rừng) được sử dụng có hiệu quả và thiết thực hơn.
Năm 2019, Điện Biên đã trồng rừng tập trung đạt 350 ha (rừng phòng hộ 117,3 ha; rừng sản xuất 239 ha), đạt 34,44% kế hoạch; giao khoán bảo vệ rừng 286.221 ha, đạt 100% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh rừng 12.232 ha, tăng 21,4% so với năm trước, đạt 68% kế hoạch. Trong năm 2019, tỉnh đã phát hiện 396 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 57 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Các cơ quan chức năng cũng đã thực hiện tốt việc rà soát, xác định và quản lý các diện tích tăng rừng, làm cơ sở để xác định các địa điểm, diện tích tăng rừng. Hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 42,25%.
Rừng có chủ thực sự
Mường Nhé là huyện miền núi biên giới mới thành lập năm 2002. Vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước với diện tích hơn 310.000 ha. Nhưng đến năm 2009, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn lại 45.000 ha. Nguyên nhân là do 80% dân số của huyện Mường Nhé hiện nay là dân di cư tự do ở các địa phương khác đến, họ thường “cố thủ” trong lõi rừng già để đốt nương làm rẫy và săn bắn chim, thú. Sau khi huyện được thành lập, các đội công tác của tỉnh đã phải mở chiến dịch vận động, kêu gọi đồng bào về định canh định cư, thiết lập nên 149 bản làng với 54.000 dân. Nhờ đó, nạn phá rừng và săn bắn động vật hoang dã nơi đây mới tạm lắng xuống.
Đề cập về hiệu quả của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Hiện có 42 cộng đồng dân cư thôn, bản, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Năm 2018, sau khi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng ở đây đã sử dụng chi công trực tiếp cho Tổ bảo vệ rừng, cải thiện sinh kế cho các hộ gia đình và đóng góp một phần kinh phí xây dựng nông thôn mới, các công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn, mua sắm thêm bàn ghế, loa đài cho nhà văn hóa, sân chơi thể thao cho cộng đồng xã, bản.
Ông Mào Văn Theo, Trưởng bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé khẳng định: Từ khi Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé giao cho cộng đồng bản quản lý lâm phần rừng đặc dụng, theo hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng, mọi người dân trong bản đều ý thức giữ rừng. Cộng đồng bản Phiêng Kham bảo vệ 226,14 ha thuộc tiểu khu 149, khoảnh 12, thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Năm 2019, dân bản được nhận hơn 100 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, số tiền này bản đã họp và thống nhất chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, một phần đóng góp để sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, đổ bê tông đường giao thông của thôn. Đồng bào trong bản ai cũng phấn khởi và đồng lòng nhất trí.
Tại huyện Mường Chà, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng 3.146,813 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Huổi Lèng và Mường Tùng. Trong đó, 3.068,52 ha diện tích rừng giao khoán cho 9 cộng đồng và 6 nhóm hộ gia đình quản lý, bảo vệ, diện tích còn lại do Ban tự quản lý và bảo vệ.
Từ năm 2016 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trên 6 tỷ đồng. Số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt tăng thêm thu nhập cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng, ngăn chặn, phát hiện tình trạng khai thác, chặt phá rừng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về quản lý, bảo vệ rừng, Ban Giám đốc quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà quyết định thành lập Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm 11 thành viên, chia thành 2 tổ, mỗi tổ phân công trực 3 ngày luân phiên nhau. Đây là lực lượng được quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả, đúng quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Vào mùa hanh khô, Tổ tuần tra hướng dẫn người dân phát, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật, tránh để lửa cháy lan vào rừng; tổ chức dọn thực bì thường xuyên, phát đường băng cản lửa tại các vị trí giáp ranh; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, công cụ phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm vào rừng, lực lượng chuyên trách tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đến các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, thôn bản. Đồng thời, lực lượng chuyên trách hướng dẫn người dân sống gần rừng thực hiện canh tác nương rẫy trên đất dốc theo hướng thâm canh, kết hợp lựa chọn cơ cấu giống cây trồng phù hợp, năng suất cao, từng bước chấm dứt tình trạng bỏ rẫy cũ phát rẫy mới theo tập quán của người dân tại chỗ… tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào các dân tộc tham gia cùng đơn vị, quyết tâm giữ nguyên diện tích rừng trên lâm phần được giao quản lý.
Đến ngày 15/5/2020, Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên thu tiền dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền 327.420 triệu đồng, kết quả thu 5 tháng đầu năm 2020 so với kế hoạch phê duyệt đạt 12,5%, giảm so với cùng kỳ năm trước vì phần lớn nguồn thu là do Quỹ Trung ương điều phối. Tổng số tiền đã chi là hơn 2,4 tỷ đồng, bao gồm chi cho chủ rừng và chi phí quản lý.
Căn cứ kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019, Ban điều hành Quỹ tiến hành chủ trì kiểm tra, xác minh ngoài thực địa diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 đối với các chủ rừng có kiến nghị với tổng diện tích gần 6.000 ha, tổng hợp thống nhất với các bên có liên quan, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 là hơn 268.628 ha cho 2.601 chủ rừng. Nhờ tuyên truyền, vận động các chủ rừng chưa mở tài khoản để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục mở tài khoản tại Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng số Viettel Pay, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã có 87 tài khoản được mở thêm. Đến nay, toàn tỉnh đã mở được 2.084/2.601 tài khoản của chủ rừng, đạt 80% tổng số chủ rừng trên địa bàn.
Bài cuối: Tạo 'đột phá' bằng các cây công nghiệp