NATO hủy tập trận ở Biển Đen do xung đột Nga-Ukraine

Nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một số cuộc tập trận trên Biển Đen sẽ bị hủy bỏ do tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. 

Chú thích ảnh
Các tàu chiến của một số nước NATO tham gia tập trận chung trên Biển Đen năm 2018. Ảnh: UK Royal Navy 

Kênh truyền hình RT dẫn thông báo mới nhất của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay các cuộc tập trận của khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại  Tây Dương (NATO) trên Biển Đen đã bị hoãn lại hoặc hủy bỏ hoàn toàn, dựa theo một công ước năm xưa cho phép Ankara có quyền phủ quyết đối với các hoạt động triển khai hải quân trong khu vực.

Phát biểu với hãng thông tấn Anadolu ngày 31/5, quan chức Mevlut Cavusoglu đã giải thích về sự miễn cưỡng hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chiến dịch trừng phạt của phương Tây chống lại Nga. Ông nói rằng Ankara đang tìm cách tránh gia tăng căng thẳng và muốn kết thúc xung đột thông qua đàm phán. 

“Nếu tham gia các biện pháp trừng phạt, chúng tôi sẽ không thể thực hiện vai trò hòa giải như bây giờ. Chúng tôi đã áp dụng Công ước Montreux đối với tàu chiến, nhưng vẫn để mở cửa không phận”, ông Cavusoglu đề cập đến thỏa thuận năm 1936 trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền điều tiết giao thông hàng hải qua Biển Đen.

Thổ Nhĩ Kỳ đã viện dẫn Công ước Montreux để từ chối cho phép một số tàu chiến Nga tiếp cận Biển Đen qua Eo biển Bosporus kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2.

Trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ cuộc tập trận nào ở Biển Đen bị hủy bỏ hay lên lịch lại, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đã thực hiện một loạt các cuộc tập trận khắp châu Âu trong những tuần gần đây, trong đó có chiến dịch ở Estonia vào tháng trước với sự tham gia của 15.000 quân của 14 quốc gia, được tổ chức cách biên giới Nga khoảng 70km.

Hoạt động kiểm soát trên không của các lực lượng NATO dọc theo Biển Đen cũng được tăng cường vào tháng 4. Nhiều máy bay chiến đấu của Hà Lan đã được triển khai để hỗ trợ Không quân Bulgaria sau một loạt các động thái tương tự nhằm củng cố sườn phía Đông của liên minh này. 

Ngoại trưởng Cavusoglu tiếp tục lập luận rằng vai trò trung gian hòa giải của Ankara trong xung đột giữa Moskva và Kiev hiện nay đã được nhiều quốc gia khác hoan nghênh. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng Ankara sẽ chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu chúng được Liên hợp quốc đưa ra.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo RT)
Xung đột Ukraine định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu thế nào?
Xung đột Ukraine định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu thế nào?

Thị trường dầu mỏ trên toàn thế giới đang dịch chuyển theo hướng Nga tăng cường xuất khẩu sang châu Á, trong khi châu Âu đẩy nhập khẩu dầu từ châu Phi và Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN