Theo thông báo, Hoạt động Huấn luyện Bộ Chỉ huy hỗn hợp (CCPT) kết thúc vào ngày 12/3, có sự tham gia của Lực lượng Không quân 5 và Lữ đoàn Pháo binh Phòng không 38 (ADA) ở Nhật Bản, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Lục quân 94 (AAMDC) ở Hawaii, Sư đoàn 35 Lữ đoàn ADA ở Hàn Quốc và đơn vị E-3 ADA THAAD ở Guam.
Chỉ huy của ADA 38 - Đại tá Matthew Dalton, cho biết, trong quá trình huấn luyện, quân đội Mỹ đã mô phỏng các sự kiện theo thời gian thực để kiểm tra khả năng phản ứng và khả năng thông tin liên lạc trên các mạng lưới song phương. Đại tá Dalton nêu rõ: "Hoạt động huấn luyện như thế này là cần thiết để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của sở chỉ huy lữ đoàn và sự sẵn sàng của các binh sĩ của chúng tôi trong các cuộc xung đột thực tế".
Sư đoàn 35 ADA, có trụ sở chính tại Căn cứ Không quân Osan ở Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 70 km về phía Nam, chịu trách nhiệm vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Mỹ đã lắp đặt hệ thống THAAD ở Seongju, cách Seoul khoảng 210 km về phía Đông Nam, vào năm 2017 trong bối cảnh quan ngại về các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 25/3 vừa qua, Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "tên lửa hành trình chiến thuật mới có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp". Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong vòng một năm qua và là vụ phóng thử đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức tháng 1 vừa qua.