Bất chấp tin tích cực về nới room xuất hiện, nhà đầu tư vẫn bán tháo ồ ạt mạnh hơn trong phiên chiều 6/12, đẩy hàng trăm cổ phiếu “lao dốc không phanh”.
Chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có chỉ số đại diện giảm mạnh nhất thế giới. Trong phiên chiều 6/12, áp lực bán tháo xảy ra khá nhiều đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép và bất động sản. Nhóm cổ phiếu VN30 có tới 30/30 mã giảm, trong đó có 8 mã giảm sàn là: VIB, VPB, VRE, GVR, HPG, STB, MBB, STB. Nhiều cổ phiếu giảm mạnh khiến VN30 Index mất gần 57 điểm (5,12%) xuống còn 1.054 điểm.
Nhóm bất động sản với nhiều cổ phiếu nằm sàn như: QCG, HTN, CII, SCR, NTL, DXG, DIG, NBB, DXS, CRE, HAS, LDG, IJC, TCH... Trong khi đó ở nhịp hồi phục vừa qua, cổ phiếu nhóm bất động sản đã hồi phục từ đáy 20% đến hơn 200% (tùy từng mã).
Tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán sau tin nới room tín dụng nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát đà điều chỉnh. Theo đó, MBB, STB, SHB, VIB giảm sàn; cả chục cổ phiếu khác giảm mạnh 5 - 6%, bao gồm các mã Big4 là: VCB, CTG, BID.
Cũng trong nhóm VN30, các mã cổ phiếu khiến cho VN Index mất điểm nhiều nhất là: VPB (-5,71 điểm); HPG (-4,68 điểm); TCB (-4,66 điểm); ACB (-3,9 điểm); VHM (-3,78 điểm); MWG (-3,73 điểm); MBB (-3,39 điểm); STB (-3,06 điểm); VCB (-2,72 điểm); FPT (-2,24 điểm); VNM (-2,19 điểm); VRE (-2,09 điểm)...
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 7,16 điểm (3,26%) xuống 212,8 điểm. Upcom-Index giảm 2,22 điểm còn 71,02 điểm. Toàn thị trường ghi nhận hơn 700 mã giảm, gấp 3 lần so với 235 mã tăn
Về thanh khoản, tăng đáng kể là HoSE giao dịch hơn 23.500 tỷ đồng, với 1,48 triệu cổ phiếu sang tay. Tính chung 3 sàn, giá trị giao dịch hơn 27.000 tỷ đồng (1.13 tỷ USD). Khối ngoại chiếm hơn 10% thanh khoản thị trường, mua ròng hơn 800 tỷ đồng, tập trung vào SSI, VHM, FUEVFVND, NLG, VIC, KBC...
Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đưa tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 được tăng lên thành 15,5 - 16% so với mục tiêu đầu năm là 14%. Điều này có nghĩa là dư địa cấp tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin này đã không kích thích thị trường chứng khoán như kỳ vọng.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết: Quý IV thường là quý mà nhiều tổ chức tài chính lớn lựa chọn làm thời điểm tái cơ cấu danh mục và giải ngân cho năm mới khi có thể nhận diện được bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp để lọc tìm cơ hội. Với quý IV/2022, không phải bây giờ, mà ngay từ đầu tháng 10/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực giải ngân trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự lạc quan của khối ngoại cùng giao dịch tích cực của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, riêng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 17.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên trong tuần qua, gần gấp đôi mức bình quân nửa đầu tháng 11/2022.
Còn phía SSI Research dự báo, tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 ước tính ở mức 5,5 - 6,0% và đạt 6 - 6,2% vào năm 2023. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, ngay trong quý IV/2022, ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Nhìn về kỳ vọng về dòng vốn trong thời gian tới, việc các quỹ chủ động và ETFs (Quỹ hoán đổi danh mục) cùng đồng thuận giải ngân cùng lúc vào thị trường có thể sẽ tiếp tục quán tính vào các tuần đầu của tháng 12/2022. Trên cơ sở đó, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì được đà hồi phục sang các tuần đầu tháng 12/2022, trong lúc các chính sách mới để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được công bố.