Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trước đó, ngày 27/10, Bộ Tài Chính đã đề xuất với Chính phủ về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng. Như vậy mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu được quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP, tức là từ 5 – 6% giá trị xe.
Việc giảm 50% thuế lệ phí trước bạ sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát cũng như nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ có những tác động tích cực như: Kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản; tác động thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Kể từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Hiện nay, mức lệ phí trước bạ đăng ký ô tô dưới 9 chỗ ngồi tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%. Sau khi áp dụng mức thu mới, người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ từ 5% đến 6%.
Liên quan tới lệ phí trước bạ, đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (EuroCham) cho biết: EuroCham đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ô tô điện nhập khẩu trong 3 – 5 năm. Bởi ô tô điện là giải pháp chiến lược giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố. Vì thế, Chính phủ nên có các ưu đãi về thuế, phí với loại hình phương tiện này. Sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, doanh số bán ô tô tại Việt Nam đã dần hồi phục trong những tháng gần đây.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 29.797 xe, bao gồm 19.865 xe du lịch, 9.492 xe thương mại và 404 xe chuyên dụng. Riêng xe du lịch đã tăng đến 138%, xe thương mại tăng 94% và xe chuyên dụng tăng 45% so với tháng trước. Nếu xét về nguồn gốc, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng 9/2021.
Theo đại diện VAMA, doanh số tăng trong tháng 10/2021 nhờ vào 2 yếu tố chính: Hoạt động trở lại của tất cả các đại lý ô tô trên toàn quốc, cũng như sự phục hồi nhanh chóng của các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, tăng 132% so với tháng trước; và mới đây là thông tin từ Chính phủ về việc áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, doanh số tháng 10/2021 vẫn giảm 10,4% so với tháng 10/2020. Doanh số bán ra của thị trường lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2021 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ trong thời điểm trước đại dịch (mười tháng của năm 2021 so với mười tháng đầu 2019 giảm 16%).