Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% so cuối năm 2020. Trước đó, từ đầu năm đến cuối tháng 11/2021, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%; cuối tháng 10/2021 là 8,7% và cuối tháng 9 là 7,17%. Như vậy, với tỷ lệ tín dụng bật tăng vào tháng cuối năm 2021 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho hay, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng và là điểm sáng. Theo đó, kết thúc năm 2021, huy động vốn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 7,5%; cho vay vốn tăng khoảng 10,7%.
Chỉ tính riêng tháng 12/2021, tín dụng ước tăng 2% so với tháng 11/2021; cuối tháng 11 là tăng trên 2% so tháng 10/2021. Như vậy, tín dụng của ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp (sau khi giảm 0,67% trong tháng 9/2021), phản ánh tín hiệu tích cực trong phục hồi tăng trưởng kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, cả quý 3/2021 tín dụng chỉ tăng 0,2%. Riêng tháng 8 và tháng 9/2021, tín dụng giảm. Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động trong thời gian này để phòng chống dịch, kinh tế xã hội thành phố tăng trưởng âm.
Để được kết quả cuối năm tín dụng bật tăng cao, các tổ chức ngân hàng và tín dụng điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay và huy động vốn. Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1% trong năm 2020 và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2021 với mức giảm khoảng 1,5%.
Bởi sau khi TP Hồ Chí Minh mở cửa thị trường trong tình hình “bình thường mới”, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng để phục vụ khách hàng dịp Tết, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Các ngân hàng cũng nỗ lực kích cầu tín dụng qua các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp với 3 hoạt động chính sau: Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do đại dịch, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối năm 2021 tổng giá trị nợ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn đạt gần 2,2 triệu tỷ đồng, gồm: cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay và cho vay mới với lãi suất thấp.
Trong năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu. Phương án tín dụng sẽ hướng vào lĩnh vực ưu tiên, khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch; không tập trung vốn cho những lĩnh vực không ưu tiên như bất động sản bao gồm đầu cơ, vốn cho dự án lớn với rủi ro hệ số cao, thị trường chứng khoán đầu cơ...