Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, có 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với số tiền 509.864 tỷ đồng. Như vậy, so với quy mô gói tín dụng được 17 ngân hàng đăng ký từ đầu năm, tỷ lệ giải ngân tính đến tháng 8 đã đạt 83,4%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, với tiêu chí giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn hoặc tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp… nên con số giải ngân trên chỉ mang tính định lượng, phản ánh kết quả hỗ trợ cho doanh nghiệp thực tế. Điều quan trọng là dự án phải mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Theo đó, thông qua việc giải ngân gói tín dụng này, đã có 146.906 khách hàng được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Về mặt chính sách, chương trình này tiếp tục là hành động cụ thể để đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, NHNN đi vào thực tế cuộc sống có hiệu quả.
Để đạt kết quả trên, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, đó là nhờ sự phối hợp tổ chức và chủ động của UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố trong việc nắm bắt kịp thời khó khăn doanh nghiệp để tháo gỡ và xử lý, tạo điều kiện cho chương trình phát huy hiệu quả.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được 29 hội nghị kết nối và đối thoại doanh nghiệp. Trong đó, một số quận như Quận 1, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp có tỷ lệ giải ngân cao và số lượng khách hàng được hỗ trợ nhiều.
“Việc các quận, huyện xây dựng kế hoạch, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa bàn là yếu tố góp phần quan trọng trong thực hiện kế hoạch chung của UBND Thành phố và ngành ngân hàng Thành phố. Đây là sự khác biệt trong công tác tổ chức thực hiện chương trình nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp thực chất và hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2023 và tăng 11,28% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi giảm nhẹ vào tháng 7 (giảm 0,09%), tín dụng tháng 8/2024 đã tăng trở lại.
Trong đó, tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng, chiếm khoảng 3,6% và giảm liên tục trong những tháng gần đây, song đã tăng trưởng trở lại trong tháng 8/2024, với mức tăng 0,8%.
Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên cũng đạt 1.688 tỷ đồng, tăng 0,7% với tháng 7/2024. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục giữ tỷ trọng cao, chiếm 82% tổng dư nợ trong 5 nhóm ngành này trên địa bàn.
Theo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tập trung nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay, đã có gần 43 ngàn khách hàng, doanh nghiệp tại thành phố đã được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt 41.498 tỷ đồng.