Phó Tổng cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường cho biết: Trong số hơn 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước, chỉ có khoảng trên 10% đơn vị tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai, trong khi lại có đến 89% doanh nghiệp đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ.
“Đến nay đã có khoảng gần 150 doanh nghiệp tham gia chương trình trên địa bàn 35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Đích đến cuối cùng của cơ quan hải quan thông qua chương trình này chính là kỳ vọng doanh nghiệp sẽ trở thành các đối tác đáng tin cậy của ngành Hải quan. Khi đó, việc kiểm tra, giám sát trong quá trình làm thủ tục hải quan sẽ giảm xuống tối đa”, ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro - TCHQ cho biết.
Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành các giải pháp quyết liệt, linh hoạt để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau COVID-19. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan nhằm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ.
Theo ông Hoàng Việt Cường việc lựa chọn đối tượng tham gia chương trình thí điểm này được cân nhắc một cách kĩ lưỡng. Giai đoạn đầu có khoảng 266 doanh nghiệp tham gia với đầy đủ các loại hình: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp nhỏ và vừa, các loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Nhờ đó, cơ quan Hải quan sẽ có cái nhìn tổng thể, khái quát để xây dựng phương pháp phù hợp cho từng loại hình. Trong giai đoạn này, cũng ưu tiên cho các đại lý làm thủ tục hải quan. Giai đoạn sau, tùy theo điều kiện và khả năng của mỗi địa phương sẽ tăng dần số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình. “Chương trình trên đặt mục tiêu trên 80% doanh nghiệp tăng mức tuân thủ, hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao và trên 80% doanh nghiệp tham gia hài lòng với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan”, ông Hoàng Việt Cường cho biết.
Doanh nghiệp tham gia vào chương trình nhận được nhiều quyền lợi như: Thông tin được bảo mật; được cung cấp thông tin cảnh báo lỗi, vi phạm thường xảy ra trong khi làm thủ tục hải quan; được cung cấp những quy định mới của pháp luật hải quan; được giải đáp các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp...
Thực hiện Chương trình này, TCHQ đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai, 100% doanh nghệp tham gia sẽ không bị xử lý vì các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 - tuân thủ cao và mức 3 - tuân thủ trung bình.
Ông Đoàn Danh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định: Khi có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, doanh nghiệp từng bước nâng cao mức độ tuân thủ, giảm tỷ lệ vi phạm. Đây là một chương trình thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế, khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hải quan, giúp doanh nghiệp chủ động có biện pháp để không vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tự tuân thủ pháp luật.
Phụ trách một trong các địa bàn có số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều nhất (12 doanh nghiệp), Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho rằng: Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích, vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ.
"Doanh nghiệp tự tra cứu mức độ tuân thủ pháp luật hải quan Trong quá trình tham gia thủ tục hải quan, các doanh nghiệp đều quan tâm đến tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, tức là tăng tỷ lệ tờ khai luồng Xanh (thông quan ngay), giảm tỷ lệ luồng Vàng (kiểm tra hồ sơ), luồng Đỏ (kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa).
Một trong những yếu tố quyết định đến việc phân luồng là mức độ tuân thủ của doanh nghiệp (gồm 5 mức: doanh nghiệp ưu tiên; tuân thủ cao; tuân thủ trung bình; tuân thủ thấp; không tuân thủ). Mức độ tuân thủ được cơ quan Hải quan công bố công khai và doanh nghiệp có thể tra cứu để biết được mức độ tuân thủ, cũng như nguyên nhân tại sao cơ quan Hải quan đánh giá mức độ tuân thủ, qua đó so sánh lô hàng, tờ khai với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực, quy mô cùng loại hình, cùng mặt hàng kinh doanh", Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro - TCHQ Nguyễn Nhất Kha cho biết.