So với tháng 8, chỉ số VN-Index tháng 9/2022 đạt 1.132,11 điểm, giảm 11,59% và giảm 24,44% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 1.123,09 điểm, giảm 12,03% và giảm 28,07% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.152,01 điểm, giảm 11,48% và giảm 24,99% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, HOSE ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 13.396 tỷ đồng và 527,18 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 14,16% về giá trị bình quân và 15,90% về khối lượng bình quân so với tháng 8.
Một số ngành có mức giảm mạnh được thể hiện tại các chỉ số: ngành công nghiệp (VNIND) giảm 14,52%; ngành tài chính (VNFIN) giảm 13,26%; ngành năng lượng (VNENE) giảm 12,31%.
Trong tháng 9/2022, khối lượng giao dịch bình quân chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt khoảng 28,17 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân là 14,21 tỷ đồng, tương ứng giảm 11,67% về khối lượng bình quân và 31,33% về giá trị bình quân so với tháng 8/2022.
Về giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 9 đạt trên 37.328 tỷ đồng, chiếm gần 7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.623 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/9/2022, quy mô toàn thị trường HOSE có 577 mã chứng khoán niêm yết, trong đó có 400 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 10 mã chứng chỉ quỹ ETF, 162 mã chứng quyền có bảo đảm và 2 mã trái phiếu.
Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 136 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,5 triệu tỷ đồng, giảm 11,55% so với tháng trước, tương đương 53,63% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành).
Trong đó, có 39 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên tỷ USD, đáng chú ý có 1 doanh nghiệp duy trì vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Về hoạt động niêm yết và đấu giá, trong tháng 9, HOSE có 1 mã chứng chỉ quỹ (Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 4), 1 mã chứng chỉ quỹ ETF (Quỹ DCVFMVNMIDCAP) và 60 mã CW mới được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch.