SSI: Lãi suất điều hành giảm chưa tác động nhiều đến ngân hàng thương mại

Theo báo cáo nhanh của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Lý do là bởi lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3,0 - 3,8%/năm. Cá biệt một số ngân hàng chỉ ở mức 2,2 - 2,5%/năm, tức là đã thấp hơn mức trần mới.

Do đó SSI nhận định, yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 - 0,3%/năm trong quý IV/2020.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Bản báo cáo nhanh cũng chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao).

Trong 9 tháng năm 2020, mặc dù trần lãi suất này đã được giảm 2 lần, tổng cộng 1%, nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3 - 4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung.

Trong năm 2019, tỷ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Dựa trên tỷ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các ngân hàng thương mại tại thời điểm ngày 30/6/2020 là 50%, SSI ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20 - 25% tổng dư nợ hệ thống (tức là khoảng 1,7 - 2,1 triệu tỷ đồng). Giả sử các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới, từ năm sau, người đi vay có thể giảm được từ 8,5 - 10,7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay.

"Tuy nhiên, trần lãi suất mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới hoặc các khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý IV/2020 sẽ khá ít, ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng thương mại trong năm 2020 là không đáng kể", SSI đánh giá.

Mặt khác, theo SSI các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong 9 tháng năm 2020, mặc dù lượng bơm, hút ròng của Ngân hàng Nhà nước gần như bằng 0 nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 92 tỷ USD. Thủ tướng Chính phủ nhận định dự trữ ngoại hối sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, SSI cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Theo Tổng cục Thống kê, đến 22/9/2020, trong khi huy động vẫn tăng trưởng khá tốt (đạt 7,7%) thì tăng trưởng tín dụng chỉ là 5,12% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (8,79%) và còn cách xa mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (ban đầu là 14%, sau điều chỉnh là 10%).

Thực tế, trong 4 tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1 - 0,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2 - 0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, vẫn thấp hơn rất nhiều các lãi suất vay vốn mới từ Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, chiều 30/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục điều chỉnh các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19.

Cụ thể, từ 1/10/2020, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4%/năm. Lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.

Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do Tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Đặc biệt, về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức toàn dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định, Ngân hàng cũng điều chỉnh giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lê Phương (TTXVN)
Từ ngày 1/10, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất
Từ ngày 1/10, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất

Kể từ ngày 1/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm từ 0,25% - 0,5% các mức lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN