Để hiểu rõ thêm về xu hướng của thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024, phóng viên báo Tin tức đã có sự trao đổi với ông Ngô Trung Lĩnh , Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt:
Thưa ông, trong năm 2024, phương thức thanh toán không tiền mặt nào sẽ nổi bật? QR code có tiếp tục là xu hướng chính trong năm nay?
Thanh toán điện tử đã và đang ngày càng mở rộng với nhiều hình thức thanh toán mới. Đáng chú ý, 2023 được xem là năm bùng nổ của phương thức thanh toán QR code. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) trong Hội nghị chuyên đề Hoạt động thanh toán, giao dịch thanh toán qua phương thức QR code trong 11 tháng của năm 2023 đạt hơn 182,61 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 116,22 nghìn tỷ đồng (tăng 171,68% về số lượng và 74,16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không tiếp xúc bằng cách chạm điện thoại, đồng hồ (Apple Pay, Samsung Pay) cũng được đón nhận nồng nhiệt.
Theo quan sát của chúng tôi, thị trường Ấn Độ với dân số hơn 1,4 tỷ dân, thanh toán mã QR qua UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) đạt hơn 300 triệu người dùng sử dụng và được chấp nhận tại hơn 50 triệu cửa hàng bán lẻ, từ các cửa hàng ven đường đến những trung tâm mua sắm cao cấp. Thống kê từ cơ quan giám sát UPI ở Ấn Độ cho thấy, hơn 8,65 tỷ giao dịch trị giá hơn 170 tỷ USD đã được thực hiện. So sánh với dân số hơn 100 triệu dân tại Việt Nam, khối lượng giao dịch thanh toán QR code của đất nước Nam Á này đang cao gấp 40 lần chúng ta. Đó cũng là một nguyên nhân Payoo đánh giá thanh toán QR code ở Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Nhờ vào tính sẵn sàng và cách thức thực hiện đơn giản, chi phí ít, thanh toán QR code sẽ dần lan rộng từ các thành phố lớn sang các tỉnh thành khác trên cả nước.
Hiện tại, chúng ta có thể nhìn thấy tất cả các ngân hàng, trung gian thanh toán đều năng động triển khai thanh toán QR code theo một chuẩn chung của NHNN. Người dùng có thể sử dụng các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử để quét mã và thanh toán dễ dàng, thuận tiện. Vì sự ủng hộ của Chính phủ, các đơn vị tài chính và người dùng mà chúng tôi tin rằng, năm 2024, QR code vẫn tiếp tục dẫn đầu xu hướng thanh toán không tiền mặt.
Nắm bắt xu hướng đó, Payoo linh hoạt cải tiến và tích hợp với các đối tác để QR code hiển thị chính xác số tiền cần thanh toán. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục cập nhật tính năng thông báo kết quả giao dịch tức thời trên POS và trên ứng dụng của cửa hàng để người quản lý có thể nắm được trạng thái giao dịch ở mọi cửa hàng thuộc chuỗi.
Trong cuối năm 2023, MoMo và ZaloPay đã cho ra mắt QR code đa năng. Ông có đánh giá gì về sản phẩm này và ngân hàng, người dân sẽ được hưởng lợi ra sao?
Trước đây, các ví điện tử, trung gian thanh toán tự tạo ra sân chơi riêng của mình. Mỗi đơn vị xây dựng chuẩn riêng về mã QR để giao tiếp trong cộng đồng khách hàng của họ, dẫn đến những “cuộc cạnh tranh trên bàn thanh toán” khi cả chục mã QR được đặt chen chúc tại quầy thanh toán nhỏ hẹp của cửa hàng.
Vào năm 2017, NHNN và Napas công bố quy chuẩn cho QR code với mong muốn giúp liên thông thanh toán, hạn chế tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực của ngân hàng hay khu biệt thị trường. Mã QR do Napas phát hành tương tự như chuẩn EMV, đây là chuẩn mà các tổ chức thanh toán lớn MasterCard, Visa, American Express, JCB, UnionPay sử dụng. Với vai trò là cánh tay nối dài của ngân hàng, hoạt động trung lập, khác với các đơn vị hoạt động độc lập, Payoo đã xây dựng các giải pháp cho thị trường dựa theo quy chuẩn chung đó, đồng thời chấp nhận song song cả hai hình thức mã QR theo quy chuẩn chung của Napas và mã riêng của từng đơn vị.
Dù quy chuẩn đã xuất hiện nhiều năm trước, nhưng thanh toán QR code mới thực sự phát triển mạnh khi Napas cho ra mắt VietQR để chuyển tiền chéo giữa các tài khoản với nhau với mức phí 0 đồng. Sự ra đời của VietQR được các ngân hàng, trung gian thanh toán hoạt động trung lập như Payoo và cả về phía khách hàng hào hứng chào đón, qua đó tạo ra xu hướng thanh toán mới. Hình thức VietQR bùng nổ đã tác động đến các ví điện tử đang hoạt động độc lập, từng đổ tài nguyên vào xây dựng cộng đồng riêng.
Trước tình hình trên, trong hai năm gần đây, các đơn vị này buộc phải đánh giá lại thị trường và nhận thấy khó lòng đi ngược xu hướng chung. Vì vậy, các đơn vị ví điện tử có tập khách hàng lớn bắt đầu xây dựng mã QR theo chuẩn của Napas và chấp nhận các giao dịch sử dụng mã VietQR như một thành phần trong các giao dịch thanh toán trên ví của mình. Mỗi đơn vị có cách gọi tên khác nhau như QR đa năng, siêu QR... Tuy nhiên, về bản chất thì việc này là hành động chấp nhận thanh toán theo chuẩn chung VietQR do NHNN ban hành. Về phía người dùng, họ không còn bối rối phải lựa chọn ứng dụng nào để thanh toán vì đã được đồng nhất một chuẩn chung.
Nhìn lại quá trình phát triển thú vị của hình thức thanh toán QR code, Payoo nhận thấy sự bùng nổ này diễn ra một cách tự nhiên. Điều đó dựa trên hoạt động hiệu quả của mô hình VietQR và hoàn toàn không phải từ sự thúc ép và sự áp đặt của Chính phủ lên người dùng, ngân hàng và các bên liên quan. Hiện tại, dù mua sắm ở đâu tại Việt Nam, khách hàng hay chủ cửa hàng đều dễ dàng chấp nhận thanh toán QR code, giúp hình thức này ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Thưa ông, với sự bùng nổ của QR code, liệu tương lai người dùng có bị mất phí sử dụng hay không khi hình thức thanh toán này trở thành thiết yếu trong cuộc sống?
Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở vì thanh toán QR code bùng nổ và phát triển mạnh mẽ như vậy cũng làm dấy lên một số lo ngại về tính bền vững của mô hình này. Có thể nói, từ trước đến nay, các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán khi xử lý giao dịch đều có phát sinh những khoản chi phí nhất định, cấu thành những mô hình thanh toán phổ biến trên thế giới như Visa, Mastercard đang vận hành. Theo đó, các đơn vị tham gia vào quá trình thanh toán đều phải chi trả phí hoặc nhận được chi phí xử lý trên từng giao dịch. VietQR đã vượt qua rào cản đó mặc dù các khoản phí vận hành vẫn liên tục phát sinh, dẫn đến nhiều đơn vị bị thiệt hại nhất định.
Tuy vậy, theo nhận định của Payoo cũng như dựa trên thực tế mà chúng tôi quan sát được ở thị trường Ấn Độ - nơi có sự tương đồng với Việt Nam, hình thức thanh toán QR code về lâu dài sẽ sản sinh một số loại phí khác, kèm theo quyền lợi mà người dùng cũng như nhà bán được thụ hưởng. Chúng tôi cho rằng đó là quy luật tự nhiên và công bằng, những điều tốt cho thị trường sẽ luôn được thị trường đón nhận và phát triển.
Vậy xu hướng QR Code đa năng này sẽ định hướng tương lai như thế nào, thưa ông?
Như đã nói ở trên, do NHNN đang vận hành một quy chuẩn QR code chung cho cả nước, do đó thanh toán QR code sẽ không còn là giao dịch QR code của riêng đơn vị nào. Trong những bài chia sẻ gần đây, chúng tôi đã từng nhắc đến thị trường QR code đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc hoặc cuộc cách mạng thanh toán số bằng mã QR qua UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) của Ấn Độ khiến 86% tiền mặt của đất nước bị hủy bỏ. Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống chỉ còn 8% vào năm 2025, điều này mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng và trung gian thanh toán sáng tạo các giải pháp thanh toán mới trên nền tảng QR code, có thể tạo nên một cuộc cách mạng trong công cuộc hướng đến xã hội không tiền mặt.
Năm 2023, QR code giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng. Số liệu của Payoo về thanh toán QR code cho thấy, giá trị giao dịch bằng QR code tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa chỉ tăng hơn 10%, thẻ quốc tế tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi các giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến với những đơn hàng giá trị cao thì phương thức QR code lại được ưa chuộng khi thanh toán đơn hàng giá trị nhỏ. Giao dịch thanh toán được thực hiện bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng qua hệ thống Payoo đã tăng trưởng gấp 5 lần so với 2022.
Sự tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố: Nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ - đặc biệt là SMEs không cần đầu tư hệ thống POS - vốn phức tạp và yêu cầu cao về thẩm định, thay vào đó họ chỉ cần tự in một QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng. Các giao dịch QR với mức phí “0Đ” không chỉ được nhà bán lẻ ưa chuộng mà còn được đông đảo khách hàng ủng hộ vì tính tiện lợi, nhanh chóng, chủ động cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán.