Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần Đại Nam là hai khách hàng lớn của OCB. Đã có cổ đông bày tỏ băn khoăn liệu việc cho vay 2 doanh nghiệp trên có liên quan đến các chỉ tiêu kinh doanh chưa hoàn thành kế hoạch của OCB trong năm 2022 hay không? Hay vì lý do nợ xấu tăng cao?
Thẳng thắn giải đáp câu hỏi của cổ đông, Tổng Giám đốc OCB thừa nhận trong quá trình cải tổ, phát triển OCB từ giai đoạn 2012 tới nay chỉ duy nhất năm 2022 ngân hàng không đạt kế hoạch. Ban lãnh đạo OCB đã nghiêm túc đánh giá và xây dựng kế hoạch. Kế hoạch năm 2022 đặt ra trong bối cảnh thị trường rất lạc quan, kinh tế hồi phục mạnh, dịch COVID-19 đi qua, các dự báo đều tích cực. Nhưng thực tế diễn biến lại không thuận lợi như vậy với các sự kiện bất ngờ là căng thẳng giữa Nga và Ukraine, sự cố về căng thẳng thanh khoản trong hệ thống, câu chuyện trái phiếu, lãi suất tăng mạnh không chỉ ở Việt Nam mà ở quy mô toàn cầu.
Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của OCB đạt 18,5% theo mức Ngân hàng Nhà nước cho phép nhưng thu nhập danh mục vẫn tăng cao hơn 21% cho thấy quả kinh doanh mảng này cải thiện tích cực, chất lượng danh mục cho vay vẫn tốt.
Còn đối với toà nhà FLC ở 265 Cầu Giấy (Hà Nội), OCB mua với giá hợp lý nhưng năm qua FLC khó khăn nên không hoàn thành thủ tục chuyển giao nên giao dịch này chấm dứt và FLC đã hoàn trả đủ tiền bao gồm tiền phạt cho OCB.
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Tùng cho biết tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu là 0,97% theo chuẩn mực phân loại lúc bấy giờ. Đến cuối năm 2022, nếu theo cùng chuẩn mực 2021 thì tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ, ở mức 1,26% chứ không phải hơn 1,7% như phân loại mới. Do đó, sang đến năm, 2023, kế hoạch đặt ra là kiểm soát nợ xấu nhỏ hơn 3% để phù hợp với bối cảnh thực tế, nhưng Ban điều hành sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt hơn. Và ngay từ đầu năm, Ban điều hành đã chỉ đạo sát sao xử lý nợ xấu nên sẽ phấn đấu kéo tỷ lệ nợ xấu xuống thấp.
Bên cạnh đó, cổ tức cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm. OCB có thông tin chia cổ tức 30% từ đại hội cổ đông năm 2022 nhưng đến nay chưa thực hiện, vì sao chậm trễ, khi nào cổ đông nhận được cổ tức... là những câu hỏi cổ đông dành cho ban lãnh đạo ngân hàng.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB giải đáp ngay sau khi đại hội cổ đông năm 2022 xong, OCB đã tiến hành các bước phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Theo trình tự thủ tục, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn. Nhưng thủ tục tiếp theo liên quan đến hồ sơ nộp cho Ủy ban chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu chi tiết và phức tạp hơn và những hồ sơ này còn có một số thiếu sót khiến thời gian kéo dài hơn kế hoạch.
"Do đó, để đảm bảo quyền lợi cổ đông, OCB sẽ tính gộp luôn trong năm nay và năm trước với tỷ lệ chia cổ tức là 50%. Ngay sau khi đại hội phê duyệt tăng vốn 50% thì chúng tôi sẽ trình thủ tục và hi vọng sẽ xong sớm", ông Tuấn nói.
Trước đó tại đại hội, OCB đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%.
OCB có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại; trong đó 2.943 tỷ đồng là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.
Nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
Sau khi tăng vốn điều lệ, Ngân hàng Aozora Bank, Ltd. (Nhật Bản) vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn ngân hàng.
Năm 2023, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động; trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 (tổ chức và dân cư) tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Đại hội lần này cũng thông qua việc bầu 2 nhân sự mới là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng vào Hội đồng quản trị OCB nhiệm kỳ 2020-2025, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng và một số nội dung quan trọng khác.
Nói thêm về mục tiêu tăng 37% lợi nhuận trước thuế cho năm nay, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: "Kế hoạch lợi nhuận 2023 nhìn con số thì lớn (tăng 37%) nhưng đều dựa trên thực tiễn. Các hoạt động cốt lõi của OCB năm qua tăng trưởng rất tốt, là nền tảng quan trọng để năm nay bứt phá".
Ông Tùng đánh giá năm 2022, hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ không đem lại lợi nhuận, nhưng vẫn phải giữ danh mục trái phiếu Chính phủ nhất định vì liên quan đến dự trữ thanh khoản. Bởi vậy hoạt động chính gồm hoạt động tín dụng năm 2022 vẫn đem lại lợi nhuận với thu nhập đầu tư ròng (NII) tăng trưởng 21%; hoạt động dịch vụ tăng trưởng 29% là mức cao từ trước tới nay. Năm 2023 tiếp tục có các dự báo thận trọng với trái phiếu Chính phủ nên hoạt động chính năm nay vẫn trông chờ vào tín dụng và dịch vụ.
Kết thúc năm 2022, dù lợi nhuận không như kỳ vọng, chỉ đạt mức 4.389 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số lợi nhuận trước thuế 5.519 tỷ đồng của năm trước đó nhưng các chỉ tiêu kinh doanh khác của OCB vẫn tăng trưởng tích cực.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt gần 194.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng thị trường 1 chiếm 63% trong cơ cấu tổng tài sản của OCB, tăng mạnh từ mức 56% năm 2021. Trong khi đó tỷ trọng đầu tư trái phiếu và tài sản có khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục tín dụng của OCB là cho vay khách hàng, chiếm tỷ trọng 97,6%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 2,4%.
Đặc biệt, biên lợi nhuận (NIM) đã tăng từ 3,7% trong năm 2021 lên 3,9% trong bối cảnh chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 thu hẹp. Cùng với đó, ngân hàng cũng luôn chú trọng việc tối ưu hóa cấu trúc tài sản sinh lời, giảm tỷ trọng tài sản lợi suất thấp.
Trong cơ cấu huy động vốn ở thị trường 1, tiền gửi khách hàng là 102.000 tỷ đồng, tăng 3,4% chiếm 74%, giấy tờ có giá là 32.000 tỷ đồng, tăng 41,5% chiếm 23%, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư là 3.200 tỷ đồng. Cơ cấu huy động tiền gửi khách hàng dịch chuyển theo hướng bền vững, tăng mạnh huy động từ nhóm khách hàng cá nhân.
Cổ phiếu OCB kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4 giảm 2,49% xuống còn 15.650 đồng/cổ phiếu.