Những tác động của thị trường tài chính Việt Nam khi Fed có động thái mới

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tuyên bố thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2022 và tăng lãi suất sẽ có những tác động nhất định đến thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng sẽ có ít nhất là 5 tác động chính với mức độ khác nhau, liên quan tới đồng USD, thị trường chứng khoán, tỷ giá, nghĩa vụ trả nợ bằng USD và dòng vốn đầu tư.

Theo đó, đồng USD tăng sẽ khiến tỷ giá biến động nhẹ. Tại Việt Nam, tỷ giá có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi với mức dự kiến tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5 - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp với CPI dự kiến tăng khoảng 2% trong năm 2021, nhưng sẽ gia tăng lên mức 3,4 - 3,7% năm 2022; cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. 

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất USD tăng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ bằng USD của nhiều quốc gia bị tăng lên, nhất là trong bối cảnh vay nợ của nhiều nước tăng nhanh thời gian qua. Với Việt Nam, tác động này không nhiều do Việt Nam đang giảm dần vay nợ nước ngoài, nợ nước ngoài hiện đang ở mức 38,8% GDP đã điều chỉnh, so với mức 42% GDP bình quân giai đoạn 2010-2019); trong đó có nhiều loại ngoại tệ khác nhau, thời hạn dài (bình quân là 13,8 năm), lãi suất thấp (bình quân 1,35%/năm).

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt vay ngoại tệ cần lưu ý xu hướng lãi suất tăng này để có biện pháp quản lý rủi ro phù hợp”, TS Cấn Văn Lực nói.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế (VIB) nêu quan điểm, chưa nhìn thấy lý do gì để lãi suất tăng mạnh trong thời gian tới, do đó, chính sách tiền tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng và duy trì lãi suất thấp như hiện nay

Theo ông Lê Quang Trung, trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ quan tâm tới 3 yếu tố là lạm phát, cán cân thương mại và giá trị tiền đồng. Mà hiện nay cả 3 yếu tố này đều tương đối ổn định, lạm phát ở mức bình quân 1,84%, cán cân thương mại liên tục thặng dư từ năm 2016 đến nay.

“Cùng với đó, giá trị tiền đồng tăng, tính đến ngày 30/11, VND tăng gần 1% so với USD và tăng khoảng 4,4% so với 12 đồng tiền trong rổ tiền tệ, giúp Việt Nam giảm bớt nhập khẩu lạm phát. Khi giá trị tiền đồng tăng thì lãi suất sẽ có xu hướng đi ngang và đi xuống. Vì vậy, người giữ tiền đồng đang có lãi so với giữ USD”, ông Lê Quang Trung nói.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, với những người không thích mạo hiểm, sợ rủi ro thì sẽ gửi tiết kiệm vẫn có lợi, với mức lãi suất thực Việt Nam vẫn cao so với các nước trong khu vực. Lãi suất trong năm 2022 vẫn tiếp tục đi ngang so với hiện nay, khó tăng, còn lãi suất tiết kiệm vẫn thấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cũng cho rằng lạm phát đang là vấn đề toàn cầu và  ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không thể chủ quan, mà cần theo dõi, phân tích và dự báo, đưa ra các kịch bản điều hành khác nhau, để luôn ở thế chủ động, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sắp tới. Với Việt Nam, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định mặt bằng lãi suất là những gì cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội.

Fed vừa công bố một mốc thời gian nhanh hơn để rút lại các biện pháp kích thích đã triển khai để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19 trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Theo đó, Fed thông báo sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản kể từ giữa tháng 1/2022. Cụ thể, Fed sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD mỗi tháng và mua trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD mỗi tháng, nghĩa là cắt giảm 25% quy mô chương trình mua tài sản hiện nay.

Thứ hai, Fed thông báo sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2022 để đưa lãi suất từ mức 0 - 0,25% hiện nay lên quanh ngưỡng 0,75 - 1% và sau đó sẽ thực hiện tiếp thêm 2 đợt tăng lãi suất trong năm 2023.

Thùy Dương (TTXVN)
WB và HSBC nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam
WB và HSBC nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang cải thiện và phục hồi mạnh mẽ, trong khi ngân hàng HSBC có trụ sở tại London (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam có thể lấy lại đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6,8% vào năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN