NHNN đối phó với bộ ba áp lực: Tỷ giá, lạm phát và thanh khoản dư thừa

Mặc dù nền kinh tế trong nước đang có những chuyển biến cải thiện nhưng kèm với đó là áp lực của các nhà điều hành chính sách tăng lên, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phải đối phó với bộ ba áp lực là tỷ giá, lạm phát và thanh khoản dư thừa.

Áp lực tỷ giá và lạm phát

Theo báo cáo phân tích vĩ mô của CTCK Rồng Việt (VDSC), trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng trong nước tăng 1,1%, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2021. Tuy nhiên, VDSC cho rằng vẫn có cơ sở để không quá lo lắng về diễn biến lạm phát trong nước.

Chú thích ảnh
Tỷ giá tăng cao trong thời gian gần đây đã gây áp lực lên NHNN. Ảnh: Hải Yên

Nguyên nhân, tháng 9, lạm phát cơ bản tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,26% so với tháng trước, tuy nhiên lạm phát cơ bản vẫn đang trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, yếu tố tăng giá đẩy lạm phát chung trong tháng 9 tăng cao ngoài việc giá xăng dầu và giá gạo tăng thì còn có thêm ảnh hưởng của chi phí giáo dục, vốn có tính mùa vụ và mức tăng cao trong tháng 9 sẽ không tiếp diễn trong các tháng tiếp theo.

Thêm nữa, xu hướng giảm gần đây của giá gạo thế giới có thể khiến đà tăng của giá gạo trong nước chững lại, đồng thời thị trường gạo vẫn phụ thuộc vào biến số là chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, nhìn về sức cầu trong nước, VDSC cho rằng, lạm phát do cầu kéo trong giai đoạn hiện tại là không đáng kể. Dựa vào các lập luận trên, lạm phát cả năm 2023 vẫn ở mức 3,5 - 3,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.

Đối với tỷ giá, hiện NHNN cũng gặp nhiều áp lực và thách thức không nhỏ. Nhất là thông điệp sau cuộc họp của Fed vào tháng 9/2023 đã tạo ra bước chuyển đối với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2024. Theo đó, lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn, kết hợp với triển vọng kinh tế Mỹ được kỳ vọng hạ cánh mềm như trong kịch bản dự báo của Fed đã dẫn dắt chỉ số USD lập kỷ lục mới.

Theo các chuyên gia tài chính, nếu áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát thì áp lực mất giá tiền đồng vẫn rất lớn, đòi hỏi phản ứng quyết liệt hơn từ NHNN. Do đó, động thái NHNN đã hút ròng khoảng 110,7 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở qua phát hành tín phiếu NHNN từ sau cuộc họp của Fed cho thấy, NHNN đã và đang tìm mọi biện pháp để ổn định tỷ giá và lạm phát.

Hiện nay, lãi suất tín phiếu đang tăng dần qua các phiên đấu thầu. Trong đó, phiên 4/10 là 1,3%/năm với khối lượng trúng thầu là 10 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng đã nhích lên, tại ngày 3/10, lãi suất cho vay qua đêm là 0,74%/năm, tăng 0,55 điểm phần trăm so với cuối tháng 9.

Trong công bố mới nhất, NHNN cũng đã cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 6,92% so với đầu năm. Diễn biến trên hàm ý hai điều: Thứ nhất, chênh lệch lãi suất USD/VND thu hẹp lại là điều tích cực nhằm giảm bớt áp lực đối với tỷ giá. Thứ hai, cầu tín dụng phục hồi như kỳ vọng trong các tháng cuối năm.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm.

Kích thích nhu cầu vay trở lại

Bên cạnh áp lực tỷ giá và lạm phát, thanh khoản dư thừa cũng là áp lực đối với NHNN. Bởi sau các đợt giảm lãi suất huy động liên tục, lãi suất huy động bình quân của khối NHTMCP nhà nước hiện đã về mức tương đương giai đoạn COVID-19 ở các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, nhưng vẫn cao hơn 45 điểm cơ bản so với mặt bằng thấp của giai đoạn COVID-19 ở các kỳ hạn 3 - 6 tháng.  Trong khi đó, lãi suất huy động của khối NHTMCP tư nhân cao hơn từ 50 - 70 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 1 - 9 tháng và chỉ cao hơn từ 15 - 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên. Thế nhưng, đầu ra của các ngân hàng vẫn chậm.

Chú thích ảnh
Thanh khoản dư thừa do tín dụng cho vay chậm cũng gây nhiều áp lực cho ngành ngân hàng. Ảnh: NH

Hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó giảm thêm trong quý 4/2023 khi lãi suất thực đang dần thu hẹp, lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý 4. Theo đó, điểm đáy của lãi suất huy động sẽ kích hoạt tâm lý vay đầu tư và tiêu dùng trở lại nên khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng trong cuối năm.

Tuy nhiên, với chính sách cho vay vẫn không đổi, việc các doanh nghiệp, cá nhân muốn tiếp cận vốn vay cũng không phải dễ dàng. Do đó, ngành ngân hàng đang phối hợp đồng bộ để đưa ra cả giải pháp, từ cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện chính sách đến công tác cải cách hành chính để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, khác với mọi năm và những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế do khủng hoảng hay thiên tai dịch bệnh, những khó khăn thách thức hiện nay phức tạp và khó đoán định, mang tính khách quan và tác động từ bên ngoài trong mối liên hệ hội nhập kinh tế quốc tế, mối liên hệ của nền kinh tế mở. Chính vì lẽ đó, việc sử dụng các yếu tố nội lực, với các giải pháp chủ động, sẽ phát huy hiệu quả và từng bước mang lại những kết quả tích cực.

Hoạt động tín dụng và tăng trưởng tín dụng cũng không nằm ngoài quá trình, những yếu tố khách quan về tăng trưởng kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ tiếp tục tác động trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng trong mối quan hệ ngân hàng - khách hàng. Tuy nhiên, tiếp cận ở góc độ chủ động, cần tiếp tục tận dụng và phát huy, phát triển những yếu tố tích cực để biến trở thành động lực cho tăng trưởng tín dụng 3 tháng còn lại của năm và những tháng đầu năm 2024, tháng giáp Tết âm lịch cổ truyền.

Theo đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục làm tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp với nội hàm về giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi và gói tín dụng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, NHNN và của các tỉnh, thành phố; các gói tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS bằng chính sách tín dụng đối với nhà ở xã hội; lĩnh vực lâm sản thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực lương thực thực phẩm…

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn dịp cuối năm cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành ngân hàng tập trung làm tốt chương trình tín dụng cho vay bình ổn thị trường, đáp ứng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường nhằm đạt được đồng thời mục tiêu đáp ứng cung cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng như giữ ổn định giá cả hàng hóa dịp cuối năm, qua đó hỗ trợ và thực hiện tốt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính lĩnh vực ngân hàng bằng các hành động cụ thể thiết thực trong giải ngân cho vay; thẩm định xét duyệt khoản vay; rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng; có chính sách phí phù hợp, hợp lý trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để thực hiện tốt giải pháp này và bằng hành động cụ thể thiết thực, mang lại trực tiếp lợi ích cho khách hàng, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, những giải pháp trên hoàn toàn thực hiện được và có thể thực hiện tốt, bởi đó là các giải pháp chủ động và phụ thuộc vào yếu tố con người và khâu tổ chức thực hiện.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tín dụng tăng thấp, ngân hàng tiếp tục họp gỡ khó cho doanh nghiệp
Tín dụng tăng thấp, ngân hàng tiếp tục họp gỡ khó cho doanh nghiệp

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, gỡ khó trong tiếp cận tín dụng trên địa bản tỉnh Thái Nguyên ngày 4/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết: Tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay của Thái Nguyên là 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành (5,56%), thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (10,85%). Trước tình hình này, ngân hàng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã họp bàn để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN