Lo ngại lãi suất tiết kiệm gia tăng áp lực với lãi suất cho vay

Ngay sau động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hàng loạt các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động. Các chuyên gia tài chính lo ngại điều này sẽ làm gia tăng áp lực đến lãi suất cho vay khi room tín dụng vẫn đang hạn hẹp.

Cuộc đua lãi suất huy động

Chú thích ảnh
Vietinbank - một trong những "ông lớn" cũng tham gia cuộc đua lãi suất huy động. Ảnh: Hải Yên

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, nhiều ngân hàng gần đây đã niêm yết lãi suất mới. Theo đó, ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là ABBank với mức lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Ngân hàng Bản Việt ngày 3/10 cũng đã nâng lãi suất chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức lên đến 8,4%/năm. Cụ thể, với 10 triệu đồng, khách hàng có thể tham gia sản phẩm với 2 hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng. Theo đó, với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 - 9 - 12 - 15 tháng. Riêng kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm.

Tiếp đến là ngân hàng số Cake by VPBank với mức 8,2%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng và kỳ hạn 36 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cố định ở mức 7,1%/năm; còn lãi suất bậc thang theo số tiền gửi từ 7,1 - 7,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng có lãi suất cố định 7,7%; lãi suất bậc thang từ 7,7 - 8%/năm. Số tiền gửi theo bậc thang thấp nhất là 50 triệu đồng.

Tại ngân hàng Đông Á (DongABank), mức lãi suất tối đa lên tới 8,1%/năm cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên trong thời hạn 13 tháng. Với giá trị gửi nhỏ hơn, mức lãi suất khách nhận được là 7,73 - 7,79%/năm.

Ngân hàng khác có mức lãi suất cao lên tới 8%/năm là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) khi gửi online kỳ hạn 24 và 36 tháng. Ở các kỳ hạn ngắn hạn, mức lãi suất lần lượt là 7%/năm (6 - 11 tháng); 7,5%/năm (12 tháng); 7,7%/năm (13 - 18 tháng)... Ngoài ra, Ngân hàng SHB, Kienlongbank… cũng đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn từ cuối tháng 9 đến nay.

Không chỉ với các NHTM mà các ngân hàng lớn, có vốn nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua. Cụ thể, ngày 27/9, Vietcombank, VietinBank, Agribank đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động thêm hơn 1%/năm.

Theo đó, Vietcombank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8 - 1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1 - 4,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm; từ kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng 1% lên 6,4%/năm.

Tương tự, lãi suất VietinBank kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng lên 4,1%/năm; lãi suất từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.

Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của Agribank cao nhất là 4,4%/năm, từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm. Ngoài ra, Agribank còn tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm trong khi đa số các ngân hàng khác niêm yết 0,1%/năm...

Áp lực đè lên lãi suất cho vay

Chú thích ảnh
Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc tăng lãi suất huy động sẽ tác động lớn đến lãi suất cho vay. Ảnh: T.C

Theo lý giải của các chuyên gia tài chính, lý do cuộc đua lãi suất của các ngân hàng ngày càng “nóng” vì nhu cầu vốn trong dịp cuối năm thường tăng cao, trong khi hạn mức tín dụng lại ngày càng eo hẹp. Mặc dù diễn biến này đã được dự báo từ trước, đặc biệt sau động thái NHNN tăng lãi suất điều hành lên 1% sau gần 2 năm nhưng điều này đã tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Trong cuộc họp gần đây, đại diện NHNN cho biết sẽ vận động các ngân hàng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho hay sẽ không điều hành lãi vay vì đó là thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay.

Về diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng rất khó đoán định do phụ thuộc vào nhiều ẩn số, liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, điều hành của NHNN nói chung và tại các NHTM nói riêng.

Đại diện Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, biên lãi ròng (NIM) toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) thấp, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp, sẽ ít chịu áp lực về NIM lớn hơn.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất cho vay sẽ chịu áp lực tăng trong cuối năm nay nhưng có độ trễ so với lãi suất huy động, đồng thời có sự phân hóa giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong cuối năm và sang cả năm sau do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào, nguyên nhân ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Công ty Chứng khoán SSI cũng đánh giá, việc từ ngày 1/10 tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm xuống 34% sẽ kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đã đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, gây áp lực tăng lãi suất đầu ra.

Theo đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, dù các ngân hàng đang cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhưng áp lực vẫn rất lớn trong giai đoạn tới. TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, thời gian qua, thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1, nhất là lãi suất kỳ dài hạn. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Trên thực tế, việc tăng lãi suất cho vay đã rục rịch ở một số ngân hàng, đặc biệt đối với cho vay mua nhà. Nhiều khách hàng chọn hình thức vay lãi suất thả nổi đã nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi suất áp dụng từ đầu tháng 10/2022 với mức mới là 11%, thay vì dưới 10% như trước.

Nhưng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, để giữ ổn định lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao là các NHTM cần tiết giảm các loại chi phí, cấu phần tạo nên lãi suất cho vay.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng nhận định, do Chính phủ và NHNN đã có chủ trương ổn định lãi suất cho vay nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay. Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có thể tăng 1 - 1,5%.

Hải Yên/Báo Tin tức
Israel tăng lãi suất cao kỷ lục trong vòng 11 năm qua
Israel tăng lãi suất cao kỷ lục trong vòng 11 năm qua

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Ngân hàng Trung ương Israel (BOI) ngày 3/10 đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm %, lên mức 2,75%. Đây là lần thứ 5 liên tiếp BOI tiến hành nâng lãi suất kể từ tháng 4/2022 từ mức thấp kỷ lục 0,1% duy trì trong nhiều năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN