Theo biểu lãi suất mới của Techcombank, liên tiếp trong hai ngày 8 và 9/5, ngân hàng này đã liên tục tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, ngày 8/5, Techcombank đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm mức tăng trung bình 0,3 - 0,4 điểm phần trăm; đến ngày 9/5, tiếp tục điều chỉnh tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm tại tất cả các kỳ hạn so với lần điều chỉnh gần nhất.
Tương tự, VIB cũng đã có hai lần tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn với mức điều chỉnh từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước đó.
Như vậy, chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, đã có tới 10 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm như GPBank, NCB, BVBank, CBBank, VIB, Bac A Bank, Sacombank, TPBank, PGBank.
Tính đến ngày 10/5, lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng ở các kỳ hạn 12 - 24 tháng trung bình từ 6% - 9,5%. Trong đó, PvcomBank và Techcombank hiện ở mức cao nhất với 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12 - 13 tháng, với tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Tiếp theo là HDBank với mức lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng.
Ngân hàng Dong A Bank có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng trở lên là 7,5%/năm với điều kiện khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên. OCB áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng. OceanBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 24 tháng.
Hiện lãi suất ngân hàng cao nhất ở kỳ hạn 3 tháng là Cake by VPBank với 3,7%, trong khi lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 3 tháng là 1,9% thuộc về Agribank và Vietcombank.
Về kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất là 4,8% cũng thuộc về Cake by VPBank và mức lãi suất thấp nhất là 2,9% của Vietcombank. Đối với kỳ hạn 12 tháng, PVcomBank và Techcombank "đột phá" với mức lãi suất đều ở mức 9,5%, cao hơn nhiều so với mức cao nhất trên 5% của một số ngân hàng khác; trong khi SCB có lãi suất thấp nhất kỳ hạn này với mức 3,7%. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất là 6% của OceanBank và mức lãi suất thấp nhất là 3,9% của SCB.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm tăng trở lại nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa hấp dẫn, nhất là trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh mới và tỷ giá VNĐ/USD cũng tăng đáng kể từ đầu năm đến nay. Thực tế cho thấy, để giảm áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát hành tín phiếu kho bạc để hút tiền về, bán USD cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm… Những giải pháp này đã kéo lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại, đồng thời một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ tăng dần, nhưng tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào biến động của tỷ giá. Do đó, nếu tỷ giá được kiểm soát, thì lãi suất huy động sẽ không biến động đáng kể.
Mặt khác, hạn mức lãi suất tiết kiệm tuy tăng, nhưng để được hưởng lãi suất cao, đòi hỏi người dân phải gửi ít nhất 200 tỷ đồng và dài hạn. Trong khi đó, số tiền lớn trong dân cư không nhiều, với các tổ chức kinh tế thì nguồn vốn lưu động kinh doanh, nên sẽ khó gửi dài hạn. Chưa kể, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều cần vốn để tái sản xuất, mở rộng kinh doanh nên nhu cầu vay vốn nhiều hơn gửi tiết kiệm. Do đó, lãi suất ngân hàng tăng trong thời điểm này vẫn chưa thực sự hấp dẫn người dân.
Đánh giá về lãi suất huy động tăng có gây áp lực đến lãi suất vay hay không, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chưa tác động đáng kể. Thực tế, một loạt ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước vẫn đang tiếp tục tung ra gói tín dụng lãi suất rất thấp để kích cầu, chỉ 4% - 5%/năm cùng nhiều ưu đãi khác.
Nguyên nhân, mặc dù lãi suất tín dụng đã ấm dần nhưng so với nhiều năm trước vẫn chậm và chưa đạt kế hoạch của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng muốn tăng lãi suất cho thời điểm này cũng không dễ. Tuy nhiên, dự báo vài tháng cuối năm, lãi suất cho vay có thể tăng.