Kinh tế 2022 - 2023: Đảm bảo thu ngân sách trong nhiều biến động

Năm 2022, ngành tài chính đã hoàn thành tốt mục tiêu thu ngân sách với kết quả thu vượt gần 20% dự toán trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động.

Tuy nhiên, năm 2023 kinh tế toàn cầu được dự báo khó khăn hơn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam, dẫn tới áp lực lên nhiệm vụ thu của ngành tài chính. 

Chú thích ảnh
Năm 2022, ngành tài chính đã hoàn thành tốt mục tiêu thu ngân sách với kết quả thu vượt gần 20% dự toán. Ảnh minh họa: Tiến Khánh/TTXVN

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vui mừng đánh giá, tính đến ngày 15/12 thu ngân sách cả nước đã vượt gần 20%, tăng 78 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội vào thời điểm kỳ họp tháng 10 vừa qua.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước; trong đó, thu nội địa đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước; thu từ dầu thô đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng 72,5% so với năm trước; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.

Số thu này đạt được theo như Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã từng nói là dù “chưa có khi nào trong lịch sử giảm thuế nhiều như hiện nay” với trị giá khoảng 233 nghìn tỷ đồng là thắng lợi to lớn của ngành tài chính. Trong năm 2022, ngành tài chính đã thực hiện tốt các chính sách của Quốc hội, Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2022 Bộ Tài chính đã khai thác tốt nguồn thu từ các khoản mà lâu nay chưa phát huy được tốt, như thu từ chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử, thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam… 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.

Theo Bộ Tài chính, việc quản lý thu, chi ngân sách nhà nước thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Bộ Tài chính luôn kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn

Bộ Tài chính cho biết, dự toán chi quản lý hành chính của ngân sách trung ương các năm được xây dựng căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; trong đó, đảm bảo kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, bố trí đủ định mức tính theo số biên chế được giao theo quy định. Đối với các nhiệm vụ chi đặc thù, bố trí trên cơ sở các chế độ, định mức chi tiêu được ban hành, triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa các khoản chi mua ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiết giảm các nhiệm vụ không thực sự cấp bách, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Mặc dù thu ngân sách vượt dự toán, nhưng Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, vận chuyển tăng liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, nguồn nguyên, nhiên vật liệu đầu vào khan hiếm. Cùng với đó, áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác... Đây sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đầu năm 2023.

Năm 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết khi dự toán thu ngân sách, thường chia thành 2 khoản chính, đó là những khoản thu cốt lõi, thể hiện độ bền vững của ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh và những khoản thu bất thường. Khi dự toán ngân sách phải loại ra những khoản thu bất thường và chỉ tính những khoản thu cốt lõi mà khoản thu này bình quân hàng năm tăng trưởng khoảng 10% là rất tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023, ngành tài chính đã xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai nhiệm vụ thu của năm và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Để đạt được kết quả này, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; thực hiện các giải pháp về quản lý thu ngân sách nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra..

Bên cạnh  đó, ngành tài chính chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng  Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Bộ Tài chính kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thùy Dương (TTXVN)
Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước tăng 0,4%
Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước tăng 0,4%

Bộ Tài chính vừa công khai “Báo cáo ngân sách dành cho công dân - Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội quyết định”, nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ dàng nắm bắt các thông tin cơ bản về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN