Theo đó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ghi rõ, để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn tại các ngân hàng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội và có nguồn lực để trả nợ cho ngân hàng, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các Chủ tịch Hội đồng quản trị 3 ngân hàng trên quan tâm, đề xuất với Hội đồng thành viên các ngân hàng có cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mong muốn được làm việc trực tiếp với lãnh đạo đại diện các ngân hàng nói trên để cùng nhau bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn của các ngân hàng này.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy chia sẻ, bão số 3 là cơn bão lịch sử, sức tàn phá lớn, với cường độ rất mạnh đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều người dân, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp; đặc biệt đối với tỉnh Quảng Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão và hoàn lưu sau bão.
Theo thống kê sơ bộ tính đến ngày 16/9/2024 thiệt hại về người và tài sản trên địa bản tỉnh Quảng Ninh rất lớn, ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng; trong đó, thiệt hại nhà ở, công trình kiến trúc 6.447 tỷ đồng; lâm nghiệp: 5.207 tỷ đồng; thủy sản: 3.692 tỷ đồng; văn hóa du lịch: 2.485 tỷ đồng...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, qua thống kê của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến hết ngày 12/9/2024 đã có 9.683 khách hàng, với tổng dư nợ bị thiệt hại là 10.982,4 tỷ đồng; trong đó, đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam có 337 khách hàng bị thiệt hại, với tổng số dư nợ thiệt hại là 1.791,5 tỷ đồng (chiếm 16,0% tổng dư nợ bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tổng số khách hàng bị thiệt hại là 2.583 người, với tổng dư nợ thiệt hại hơn 2.416 tỷ đồng (chiếm 22% tổng dư nợ bị thiệt hại); Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam có 735 khách hàng bị thiệt hại, với số dư nợ thiệt hại gần 3.739 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với tính chất đặc biệt của cơn bão số 3, có sức tàn phá lớn, đã gây cho nhiều khách hàng thiệt hại nghiêm trọng, gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch tham quan, tàu hàng… bị chìm đắm, hư hỏng) nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho khách hàng tái sản xuất kinh doanh, khôi phục hoạt động, ổn định đời sống thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và hoạt động của các ngân hàng.